10 năm nằm trên giấy
Hơn 10 năm trước, tháng 10/2013, chuyến bay của hãng hàng không Wizz Air từ Budapest, Hungary tới Dubai đã thu hút sự chú ý khi trở thành chuyến bay chở khách thương mại đầu tiên hạ cánh xuống sân bay quốc tế Al Maktoum, Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Hình ảnh thiết kế một phần sân bay quốc tế Al Maktoum. Ảnh: Dubai Airports.
Sân bay nằm cách khu trung tâm Dubai khoảng 30km về phía Tây Nam, được thiết kế với tham vọng trở thành sân bay lớn nhất, bận rộn nhất thế giới.
Dubai Airports - cơ quan quản lý cảng hàng không quốc tế Dubai (DXB) và cảng hàng không quốc tế Al Maktoum (hay còn gọi là Dubai World Central – DWC) cho hay, khi Al Maktoum hoàn tất, cơ sở này sẽ đạt công suất phục vụ hơn 160 triệu hành khách, trung chuyển 12 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Sau hơn một thập kỷ trôi qua kể từ chuyến bay chở khách đầu tiên, hiện sân bay mới nhất của Dubai mới hoàn thành giai đoạn 1 và vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Nhưng thay vì đi theo hướng phục vụ lượng khách khổng lồ, cảng hàng không quốc tế Al Maktoum đã phát triển trở thành trung tâm sửa chữa, đại tu, bảo trì máy bay trong khu vực. Cơ sở này cũng là nơi vận hành của một số hãng vận tải hàng hóa hàng không như Emirates Cargo, cũng như một số chuyến bay cho thuê, máy bay tư nhân.
Nhưng về vận tải hành khách, nơi đây chỉ có một vài hãng hàng không giá rẻ vận hành các chuyến bay chở khách và chủ yếu tới Đông Âu, Nga, Trung Á.
Thay đổi chiến lược, xây dựng thành phố sân bay
Trước xu hướng này, Dubai đã thay đổi chiến lược dài hạn. Tại triển lãm hàng không Dubai Air Show tổ chức ở cảng hàng không quốc tế Al Maktoum, các quan chức của cơ quan Dubai Airports đã hé lộ chiến lược đối với cảng hàng không quốc tế Dubai và Al Maktoum.
Một góc thiết kế khác của sân bay quốc tế Al Maktoum. Ảnh: Dubai Airports.
Ông Paul Griffiths, Giám đốc điều hành Dubai Airports cho biết, sẽ tiếp tục ưu tiên mở rộng và đầu tư tại cảng hàng không quốc tế Dubai (DXB) để đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng, đến khi nào hấp thụ hết công suất có thể.
Kế hoạch trên nhằm tối đa hóa năng lực hiện tại thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đồng thời bổ sung thêm 20 triệu hành khách nữa vào công suất 100 triệu hành khách hàng năm hiện tại của DXB.
"Việc mở rộng này sẽ không chỉ đáp ứng sự tăng trưởng trong thời gian ngắn mà còn giúp chúng tôi có thêm thời gian để lập chiến lược cho việc mở rộng DWC theo từng giai đoạn. Dự báo Dubai sẽ đón tổng lượt khách trong năm 2024 và 2025 lần lượt là 88,2 triệu và 93,8 triệu lượt", ông Paul Griffiths nói thêm.
Trong lúc mở rộng DXB để "câu giờ", Dubai Airports dự kiến dần dần mở rộng sân bay quốc tế Al Maktoum theo lộ trình kéo dài tới năm 2050. Ông Griffiths tiết lộ: "Kế hoạch của chúng tôi không phải là mở rộng sân bay với nhà ga mới mà sẽ thay đổi hoàn toàn mô hình vận hành".
Theo đó, cảng hàng không quốc tế Al Maktoum nằm trong kế hoạch quy mô lớn hơn, có tên Dubai South. Một đô thị sân bay sẽ được xây dựng trên diện tích 145km2 tại khu vực sa mạc ở phía Nam Dubai và cảng hàng không này sẽ nằm ở trung tâm.
Hiện một số bộ phận của thành phố mới bắt đầu thành hình. Dubai South sẽ gồm 8 khu dân cư, mỗi khu tập trung phát triển một ngành công nghiệp hoặc hoạt động riêng.
Bước ngoặt quan trọng với sân bay quốc tế Al Maktoum sẽ diễn ra khi các hãng bay Emirates, Fly Dubai chuyển địa điểm vận hành chính từ DXB tới đây. Tuy nhiên, hiện chưa có mốc thời gian cụ thể cho sự chuyển đổi này.
Cuộc đua đầu tư hạ tầng hàng không
Ông Nadine Itani, chuyên gia về quản lý vận tải hàng không tại Đại học Surrey, Anh cho rằng, việc Dubai đầu tư vào cảng hàng không quốc tế Al Maktoum nằm trong xu hướng chạy đua phát triển hạ tầng hàng không quy mô lớn trong khu vực.
Các hãng hàng không quốc gia trong khu vực muốn giành thị phần trong thị trường hàng không toàn cầu, quảng bá thủ đô của mỗi quốc gia là những trung tâm thương mại quốc tế, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Do đó, các sân bay mới sẽ có tác dụng hỗ trợ rất lớn đối với tham vọng này.
Tại Qatar - đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Dubai trong thị trường chuyến bay đường dài, cảng hàng không quốc tế Hamad cũng đang xây dựng kế hoạch tăng công suất phục vụ lên hơn 60 triệu hành khách mỗi năm.
Một loạt cảng hàng không mới cũng được khánh thành tại Trung Đông trong thời gian gần đây. Đơn cử như sân bay mới trị giá 1,8 tỷ USD tại Muscat, Oman khánh thành vào năm 2018; nhà ga sân bay mới trị giá 1,1 tỷ USD đi vào hoạt động tại Bahrain vào năm 2021. Hay mới đây, vào tháng 11/2023, nhà ga A rộng 780.000m2 với sức chứa cùng lúc 79 máy bay tại sân bay ở Abu Dhabi cũng chính thức đi vào vận hành.
Cảng hàng không quốc tế Kuwait đang xây dựng nhà ga mới có công suất phục vụ 25 triệu hành khách/ năm vào thời gian đầu, sau đó nâng dần công suất lên gấp đôi, phục vụ 50 triệu hành khách/ năm.
Tại Saudi Arabia, quốc gia này cũng dự kiến phân bổ 100 tỷ USD để thúc đẩy kết nối hàng không và đưa Saudi Arabia trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu thế giới. Kế hoạch của họ cũng bao gồm mở rộng sân bay quốc tế King Salman để đạt công suất phục vụ 185 triệu hành khách mỗi năm vào năm 2050, gấp 7 lần so với năm 2022.
Trong kế hoạch xây dựng đô thị sân bay Dubai South, ngoài cảng hàng không quốc tế Al Maktoum, UAE còn dự định biến trung tâm hàng không vũ trụ Mohammed bin Rashid - nơi đặt hệ thống sinh thái công nghiệp hàng không vũ trụ của Dubai trở thành thành phần quan trọng của thành phố.
Trong đó, hãng hàng không Emirates tiết lộ sẽ xây dựng trung tâm kỹ thuật trị giá 950 triệu USD tại Trung tâm Hàng không vũ trụ Mohammed bin Rashid.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận