Xã hội

“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư và những kỳ tích có một không hai

28/01/2020, 10:07

“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư khiến những “thần đèn” khác cúi đầu thán phục khi thực hiện nâng nhà thờ Giáo xứ Nữ Vương nặng 5.500 tấn lên cao 2m.

img
“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư giám sát công trình nâng giảng đường chùa Huệ Nghiêm lên 3,4m, nặng 2.000 tấn

Chưa “ngán” công trình phức tạp nào

Lúc đầu, người ta gọi là “thần đèn”, tôi không thích lắm, vì với tôi làm được nghề này có lẽ là cơ duyên. Năm 2002, tôi làm trợ lý giúp việc cho một công ty xử lý lún, di dời nhà, sau đó thấy người ta làm “bầy hầy” quá, đến năm 2004, tôi tự đứng ra thành lập công ty.
Ông Nguyễn Văn Cư


Một ngày giữa tháng 11, chúng tôi có mặt tại Tổ đình Giác Nguyên, ở quận 4, nơi ông đang giám sát và chỉ đạo thi công, nâng công trình lên 1,2m theo yêu cầu. Đây là một trong số hơn 100 công trình “thần đèn” đã từng di dời thành công.

“Người ngoài nhìn tưởng ngon ăn nhưng thực ra khi nhận công trình là áp lực rất lớn. Từ lúc ký hợp đồng đến khi hoàn thành là cả một quá trình làm việc không ngơi nghỉ, tập trung cao độ. Nhờ sự cẩn trọng mà đến nay chưa có công trình nào xảy ra sự cố, công nhân làm việc an toàn”, ông Cư nói.

Nhớ lại thời điểm rời núi Đức Mẹ nặng 420 tấn ở Giáo xứ Phước Thành, TP Vũng Tàu thành công, ông Cư cho hay: “Cả tòa núi toàn bằng đá rắn chắc, không có móng và trọng lượng tập trung vào một điểm nên việc dịch chuyển khó khăn hơn nhiều so với di dời công trình nhà ở.

“Tôi đã từng nâng tòa khách sạn, tòa nhà liền kề hàng ngàn tấn ở Campuchia, TP HCM... nhưng đây là một công trình lạ lẫm trong lịch sử di dời, trước giờ chưa có ai làm. Ngọn núi nặng 420 tấn, nhưng khi đào xuống thì ở dưới toàn cát, không có móng, rất khó để dịch chuyển”, ông Cư nói và cho biết, cuối cùng, sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định cho công nhân luồn vào bên dưới, cấy sắt vào đá để đổ đà bằng bê tông.

Đây là quyết định cực kỳ táo bạo, bởi chỉ cần ngọn núi lún xuống vài phân là đè công nhân ngay lập tức. May mắn là mọi việc diễn ra suôn sẻ.

Một công trình khác cũng khá phức tạp là nâng đại giảng đường chùa Huệ Nghiêm nặng 2.000 tấn (quận Bình Tân, TP HCM) lên cao 3,4m vào năm 2017. Công trình này phải sử dụng cùng lúc 3 trạm kích nâng cùng với 60 kích thủy lực loại lớn. Để nâng lên theo yêu cầu của nhà chùa, “thần đèn” phải mất 2 tháng nghiên cứu các phương án cũng như đầu tư thêm máy móc, thiết bị để chuẩn bị bắt tay vào công việc chống ngập cho đại giảng đường.

Di dời thành công hơn 100 công trình

img
Chùa Huệ Nghiêm, quận Tân Bình - nơi “thần đèn” phải mất 2 tháng khảo sát để nâng giảng đường lên 3,4m

Nhà thờ Giáo xứ Nữ Vương Hoà Bình nằm bên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp được xây dựng năm 2000, diện tích khoảng 1.000m2. Sau khi tuyến đường này được làm, nhà thờ bỗng bị thấp hơn 0,9m, Chánh xứ và Hội đồng quản lý Giáo xứ quyết định nâng cao lên 2m. Nhà thờ có tổng chiều dài 55m, ngang 20m với 1 tầng trệt, 1 tầng lầu. Toàn bộ khối nhà nặng khoảng 5.500 tấn.

Để thực hiện nâng hạng mục này (trong 4 tháng), 23 ben thủy lực và 25 kích tay được sử dụng. Theo ông Cư, đây được xem là công trình lớn nhất, phức tạp nhất từ trước tới nay mà ông thực hiện.

Đến nay, “thần đèn” Nguyễn Văn Cư đã di dời thành công hơn 100 công trình nhà ở, cơ sở tôn giáo. Trong đó, điển hình là chùa Phước Thiện, quận 7 (TP HCM), di dời 12m, nâng cao 1,2m; Chùa Huệ Nghiêm, quận Bình Tân (TP HCM), nâng cổng chùa 1,2m; nâng đại giảng đường lên 3,4m với trọng lượng 2.000 tấn; Chùa Minh Lý Đạo, Tam tông miếu (Long An) di dời 40m, xoay 110 độ, nặng 3.200 tấn; Chùa Giáp Quang, quận 4 (TP HCM), nâng chánh điện lên 60cm. Tổ đình Giác Nguyên, quận 4 TP HCM, nâng 3 công trình từ 1,2 - 1,6m; Nâng tòa nhà khách sạn, nhà hàng 5 lầu ở tỉnh Pavet, Campuchia lên 5 tấc…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.