Bác sĩ Hoàng Công Lương (bên trái) tại phiên tòa |
Sáng 7/5, vụ án 8 người chết khi đang chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) được đưa ra xét xử sau gần một năm. Tuy nhiên, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa cho đến ngày 15/5, do luật sư của các bị cáo và ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình vắng mặt.
Cả trong và ngoài phòng xử án, đông đảo người thân của các nạn nhân đứng vây kín để chờ nghe bản luận tội của VKS, lời khai của các bị cáo, lời giải trình của ông Trương Quý Dương. Tuy nhiên, mong muốn đó đã không thành hiện thực.
Chưa được bồi thường sau 1 năm
Có một điều đặc biệt ở phiên tòa này là phần lớn người nhà của 8 nạn nhân tử vong trong sự cố chạy thận đều mong muốn HĐXX tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội. Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (con gái nạn nhân Nguyễn Thị Minh, trú tại TP Thái Bình) cho biết: “Chúng tôi đến phiên tòa hôm nay, mong muốn lớn nhất là tòa sẽ xử lý đúng người đúng tội, giải quyết thỏa đáng vấn đề bồi thường dân sự. Thứ nữa, là người trực tiếp có mặt tại thời điểm xảy ra sự cố, tôi mong muốn tòa tuyên bác sĩ Lương vô tội”. Theo chị Tuyết, tính đến thời điểm hiện tại, phía bệnh viện mới chỉ hỗ trợ các gia đình nạn nhân số tiền 10 triệu đồng sau khi xảy ra sự cố. Dù đã có tới 4 lần thỏa thuận nhưng con số bồi thường vẫn chưa được thống nhất.
Ngày 29/5/2017, tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình xảy ra tai biến y khoa làm 8 người chết khi đang chạy thận. Cáo trạng truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương và bị can Trần Văn Sơn (người được giao kiểm tra, giám sát việc bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Còn bị can Bùi Mạnh Quốc (người trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO) bị truy tố về tội Vô ý làm chết người. |
Cầm trên tay di ảnh của con gái mình, bà Nguyễn Thị Thu (mẹ nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng, trú tại TP Thái Bình) mếu máo cho biết: “Chúng tôi có con em đã chạy thận ở đó cả chục năm nay, bác sĩ Lương với bệnh nhân luôn coi nhau như người nhà. Thời điểm xảy ra sự việc, bác sĩ đã làm hết khả năng, hết trách nhiệm để cứu chữa nạn nhân. Vì thế, tôi nghĩ bác sĩ Lương không có tội”, bà Thu nói.
Đứng nép một góc sau khi tòa tuyên hoãn, chị Bùi Thị Tiện (trú tại huyện Cao Phong, Hòa Bình) mắt vẫn đỏ hoe. Chị đã ba lần đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để yêu cầu bồi thường nhưng vẫn chưa thống nhất kết quả. Trước khi vào viện chạy thận, chồng chị là nhân lực chính trong gia đình. Kể từ khi chồng mất, mẹ con chị gặp rất nhiều khó khăn cả về kinh tế lẫn đời sống tinh thần. Chị Tiện cho hay, cũng mong muốn bác sĩ Lương được tuyên vô tội.
Không thấy ông Trương Quý Dương có mặt ở phiên tòa, bà Nguyễn Thị Thu nói: “Ông Dương là giám đốc bệnh viện thời điểm xảy ra vụ tai biến y khoa, là người chịu trách nhiệm chính thời điểm đó nhưng lại vắng mặt thì không thể chấp nhận được”. Theo bà Thu, ông Dương là người trực tiếp ký các quyết định thay đổi màng lọc nước, thiết bị... nên ông Dương phải là người chịu trách nhiệm chính chứ không phải bác sĩ Hoàng Công Lương. Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho rằng, ông Dương phải là người chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra tai biến y khoa.
Bác sĩ Lương: “Tôi luôn tin mình vô tội”
Trên đường rời phiên tòa về Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, bác sĩ Hoàng Công Lương đã dành thời gian chia sẻ với báo chí. Bác sĩ Lương cho biết, sau khi bị khởi tố, hơn một năm qua, từ một bác sĩ, anh trở thành một bị can luôn thấp thỏm chờ đến ngày xét xử. Dù may mắn được tại ngoại, nhưng anh bị mất rất nhiều quyền công dân, bị cấm đi khỏi nơi cư trú và luôn ở trong tình trạng sẵn sàng khi CQĐT triệu tập, VKS thực hiện phúc cung. “Tôi chờ đợi một phiên tòa để biết rằng dưới góc nhìn của pháp luật, tôi đúng hay sai, nếu sai thì sai như thế nào, sai đến đâu. Chứ cứ sống mà không thể rạch ròi mình là một công dân, một bác sĩ hay là một bị can đang chờ ngày phán xử là một cảm giác nặng nề khủng khiếp tôi không biết diễn tả thế nào”, bác sĩ Lương chia sẻ.
Theo bác sĩ Lương, sự cố ngày 29/5/2017 là một thảm họa chưa từng có trong ngành y. “Thật ra ngay khi sự việc xảy ra, những giờ phút đầu tôi rất hoang mang, cứ tự hỏi mình có lỗi không, có sai sót gì đó về chuyên môn khiến cho 8 người thiệt mạng? Vì nếu đó là sai sót của mình, điều tồi tệ nhất không phải là chịu trách nhiệm trước pháp luật mà là sự day dứt lương tâm của một người bác sĩ. Nhưng rất nhanh sau đó, Hội đồng chuyên môn đã họp và nhận định phần nào nguyên nhân xảy ra thảm họa được nghĩ nhiều là do nguồn nước RO trong hệ thống lọc nước có vấn đề chứ không phải do chuyên môn của bác sĩ. Sau này có kết luận giám định, sự việc đã rõ ràng và giải thoát cho tôi về tâm lý”, bác sĩ Lương trải lòng.
Vị bác sĩ đang dính vòng lao lý kể thêm, 13 ngày tạm giam là 13 ngày rất khủng khiếp nhưng cũng rất đáng nhớ với anh. Trại giam là một nơi khác rất xa so với những trải nghiệm mà anh có trước đó. “Tôi bị giam trong căn phòng có 6 phạm nhân, trong đó có 2 tử tù đang chờ đến ngày hành quyết. Nhưng tôi vẫn thấy mình may mắn, vì sau 13 ngày, tôi được tại ngoại và được tiếp tục công việc của một bác sĩ cho đến tận ngày phiên toà diễn ra. Mặc dù phiên tòa đã hoãn nhưng tôi vẫn tin mình vô tội”, bác sĩ Lương quả quyết.
Nhiều đồng nghiệp đồng cảm, sẻ chia Tại phiên tòa hôm qua, còn có rất nhiều người là đồng nghiệp của bác sĩ Lương đến từ nhiều bệnh viện trong cả nước tới tham dự. Bác sĩ Lê Thị Hiếu, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “Từ khi có vụ việc, những ai trong ngành y cũng đều theo dõi diễn biến và quan tâm đến bác sĩ Lương vì chúng tôi cần có một kết luận thỏa đáng. Bất kể một quy trình nào ở bệnh viện đều cần phải chính xác chứ không phải đến khi xảy ra tai nạn thì “túm” người trực tiếp làm”. Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Nguyệt, nguyên cán bộ Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cũng cho biết: “Theo tôi, việc ký đề nghị bảo hành, sửa chữa máy lọc nước hay các thiết bị y tế khác là đề xuất thông thường chứ không phải là động cơ. Bác sĩ Lương chỉ có trách nhiệm khám các chỉ số sinh tồn của các bệnh nhân, khám cơ thể để đủ tiêu chuẩn về sức khỏe chạy thận hay không chứ bản thân bác sĩ Lương không có khả năng, trách nhiệm kiểm tra về nước RO. Thực tế, chưa có quy định nào về việc sau khi lọc nước, bác sĩ phải lấy mẫu đi kiểm tra, khi an toàn mới cho chạy thận. Tất cả quy trình an toàn ban đầu phải do bên vật tư cung ứng và phòng kỹ thuật”. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận