Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn
Ngày 27/1, ngày làm việc thứ ba của Đại hội Đảng XIII, các đại biểu thảo luận tại Hội trường về các văn kiện trình Đại hội.
Nhà nước bỏ một đồng, huy động được 8 - 9 đồng nguồn lực ngoài nhà nước
Theo Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Đại hội xác định các mục tiêu cụ thể không chỉ trong nhiệm kỳ khóa XIII mà hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta trong những thập niên sắp tới: đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Bên lề Đại hội Đảng XIII, đại biểu Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh nhìn nhận, mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mốc thu nhập trung bình thấp vào năm 2025 các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đặt ra hoàn toàn có cơ sở.
Chia sẻ câu chuyện thực tiễn của Quảng Ninh về việc huy động nguồn lực ngoài nhà nước phát triển giao thông, đại biểu Cao Tường Huy cho rằng: "Dân làm gốc, chúng ta sẽ làm được tất cả”.
Đại biểu Cao Tường Huy
Theo ông Huy, 5 năm qua, tỉnh đã huy động được trên 46.000 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông: sân bay, đường cao tốc, cảng biển, trong đó, Nhà nước chỉ tham gia hơn 5.000 tỷ đồng.
“Điều đó có nghĩa rằng, một đồng Nhà nước bỏ ra đầu tư, địa phương đã huy động được từ 8 đến 9 đồng nguồn lực ngoài nhà nước. Đây là nguồn lực rất to lớn mà chúng ta cần phải huy động trong thời gian tới để phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông," ông Cao Tường Huy nói.
Nhấn mạnh có được kết quả trên nhờ “lấy dân làm gốc”, “tạo niềm tin và lấy được niềm tin của dân, việc khó cũng thành công”, ông Huy ví dụ câu chuyện Quảng Ninh, giải phóng mặt bằng tuyến đường cao tốc từ Vân Đồn đi Móng Cái với chiều dài trên 80km, số hộ dân bị ảnh hưởng là gần 1.200 hộ, diện tích chiếm đất là trên 200ha, nhưng chỉ thực hiện trong vòng 15 ngày.
“Đó là vì nhân dân tin tưởng. Đó là vì niềm tin của người dân đối với Đảng, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc" đại biểu Cao Tường Huy nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Thao
Giao thông kết nối phát triển kinh tế vùng
Cũng cho rằng mục tiêu nói trên tại văn kiện khả quan, đại biểu Nguyễn Hoàng Thao, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nói: Trong mỗi giai đoạn lịch sử phát triển của đất nước, Đảng ta đã đưa ra những đường hướng lãnh đạo cụ thể. Qua tiếp cận các báo cáo chính trị, chiều 26/1, đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương đã thảo luận khá sôi nổi, đề cập đến các vấn đề mà Đại hội quan tâm; đặc biệt là vấn đề phát triển kinh tế vùng các tỉnh Đông Nam Bộ.
Theo ông Thao, Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, phát triển khá cao và cũng là tỉnh nằm trong tốp đầu của cả nước, hàng năm lượng hàng xuất nhập khẩu lên đến gần 50 tỷ USD, chiếm gần 10% so với cả nước (cả nước khoảng 540 tỷ USD), nên trong quá trình phát triển, vấn đề vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu là rất quan trọng.
“Đề nghị Trung ương xem xét, quan tâm vấn đề phát triển kinh tế hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt trong tương lai để vận chuyển hàng hóa ở Bình Dương; tạo động lực cho các tỉnh miền Đông Nam Bộ phát triển, trong đó có Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai…", ông Thao đề xuất.
Ông Đỗ Tiến Sỹ, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cũng cho biết, hướng tới mục tiêu đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Hưng Yên sẽ huy động nguồn lực, lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp, tập trung đầu tư các công trình có vai trò động lực như: đường hai bên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn II); đường trục kinh tế Bắc - Nam; đường ĐT.379, đường nối ĐT.387 với đường vành đai 5; đường vành đai 3.5 và đường vành đai 4 qua địa bàn tỉnh…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận