Hạ tầng

Tháng 6 trên công trường thi công cầu Vàm Cống

23/06/2017, 15:35

Các công nhân thi công dự án cầu Vàm Cống đang cẩn trọng tuyệt đối khi thực hiện hạng mục lao lắp dầm thép...

93

Cầu Vàm Cống đang thi công đoạn lắp dầm thép kéo dây cáp

Các công nhân thi công dự án cầu Vàm Cống đang cẩn trọng tuyệt đối khi thực hiện hạng mục lao lắp dầm thép và căng dây cáp của nhịp chính. Dự án sẽ hợp long nhịp chính vào tháng 9 và hoàn thành vào tháng 11/2017.

Thời gian được tính bằng ngày

Những ngày cuối tháng 6, có mặt tại công trình cầu Vàm Cống, chúng tôi cảm nhận được sự nỗ lực của cán bộ, kỹ sư, công nhân… với mong muốn sớm hoàn thành tuyến đường kết nối trục giao thông phía Tây khu vực ĐBSCL. Hiện dự án đã hoàn thành 89,8% tiến độ. Công tác lao dầm và hoàn thiện bản mặt cầu cũng đạt 55/55 nhịp, đang thi công đoạn lao lắp dầm thép và kéo căng dây văng của nhịp giữa cầu. Công nhân Nguyễn Văn Cường (quê tỉnh Ninh Bình) đang lao lắp dầm thép cho biết, công đoạn này đòi hỏi phải tỉ mỉ, cẩn thận và không thể vội vàng, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Do mỗi dầm rất nặng (trên 90 tấn), được đúc sẵn, cẩu từ dưới sà lan lên mặt cầu với độ cao khoảng 50m và khi lắp vào các đầu đấu nối phải khớp vào nhau mới đảm bảo kỹ thuật.

Kỹ sư Nguyễn Xuân Phước, giám sát công trình cho biết, để bám sát đúng tiến độ, hiện có 200 người chia thành 2 mũi thi công ở 2 đầu nhịp giữa để lao dầm và kéo dây văng. Nhịp này có 73 đốt, đã thi công xong 42 đốt và kéo được 78/144 dây cáp văng, dây dài nhất trên 235m, ngắn nhất gần 42m kéo từ đầu trụ xuống dầm. “Cái khó của công đoạn này là khi lắp dầm trúng vào vị trí có 2 đầu dây văng ở 2 bên thành cầu. Khi đó công nhân phải điều chỉnh bằng tay kết hợp với người điều khiển cẩu sao cho đúng nhịp để dầm lọt vào vị trí an toàn, đúng kỹ thuật. Mỗi lúc như vậy phải mất gần 45 phút, đòi hỏi sự tỷ mỉ và chính xác tuyệt đối”, anh Phước cho biết.

Cũng theo kỹ sư Phước, một trong những yếu tố quan trọng được đơn vị thi công đặt lên hàng đầu đó là công tác an toàn lao động. Hàng ngày, 100% người lao động đều duy trì tập thể dục buổi sáng, kiểm tra độ cao và họp giao ban an toàn lao động. Đối với những hạng mục dưới nước đều tuyển chọn những cán bộ công nhân có kinh nghiệm làm việc trên sông nước từ các dự án khác để tham gia thi công.

Quyết tâm để hợp long trong tháng 9

Ông Bùi Quốc Quân, Phó giám đốc Dự án cầu Vàm Cống cho biết, qua tính toán về thời gian thực hiện công việc, các nhà thầu thi công quyết tâm đến ngày 23/9 sẽ hợp long và tháng 11/2017 khánh thành. Để hoàn thành 36 đốt dầm thép và 74 cáp dây văng còn lại, các đơn vị thi công sẽ phải thực hiện trong hơn 2 tháng tới, trung bình mỗi đốt thực hiện 9 ngày, nhanh nhất cũng 8 ngày. Dù thời điểm hiện tại thời tiết không ủng hộ, mưa liên tục, tuy nhiên khi ngưng mưa là công nhân bắt tay vào công việc ngay, không để công việc ngày hôm trước chuyển sang ngày hôm sau. “Trong 37 đốt dầm đã hoàn thành, hầu hết nhà thầu cho thi công từ buổi chiều xuyên qua đêm. Tới đây, nếu trời có mưa kéo dài, nhà thầu cũng quyết tâm thực hiện cả ban đêm để hoàn thành đúng tiến độ”, ông Quân khẳng định.

Anh Nguyễn Duy Phương, Tổ trưởng Tổ thi công mặt cầu thuộc Công ty Thi công cơ giới 1 cho biết, anh đã có trên 20 năm gắn bó với nghề, từ cầu Cần Thơ cho đến cầu Vàm Cống này. Mỗi người lao động trên công trường luôn thể hiện quyết tâm cao để hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Anh Lê Văn Hoàng (SN 1968, quê ở Vĩnh Long) chia sẻ: lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ căng cáp là tại cầu Mỹ Thuận, khi đó công nghệ của nước ngoài đưa vào Việt Nam còn rất mới, đòi hỏi công nhân phải nắm vững kiến thức chuyên ngành mới áp dụng vào thực tế. “Đến nay, chúng ta đã làm chủ được công nghệ và ngày càng được hiện đại hóa với hàng loạt các cây cầu dây văng hoàn thành đưa vào sử dụng. Các vị trí từ đơn giản đến phức tạp trên công trường đều do người Việt Nam đảm trách”, anh Hoàng cho biết.

Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long cho biết, dự án đầu tư xây dựng cầu Vàm Cống dài 2,97km, được thiết kế dạng dây văng có chiều dài 0,87km, bề rộng mặt cầu 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80km/h. Cầu Vàm Cống là dự án thành phần 3, thuộc Dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông, gồm cả cầu Cao Lãnh và tuyến nối hai cầu, do Tổng công ty Cửu Long đại diện chủ đầu tư. Hiện tại, các nhà thầu đang tập trung tối đa nhân lực, thiết bị để thi công kịp hoàn thành đưa vào khai thác cả 3 dự án vào dịp cuối năm 2017.

Nhà Thầu Chính GS E&C là một đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công xây dựng tại Việt Nam như: Dự án xây dựng cầu Vĩnh Thịnh, Dự án xây dựng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (Cầu Bình Lợi), Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Đoạn 6&7), và Dự án căn hộ Xi Riverview…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.