|
Đường vào trung tâm Hầm Hô.
|
Hầm Hô thuộc địa phận xã Tây Phú, Huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách Thành phố Qui Nhơn 50km về phía Tây Bắc.
Sông Hầm Hô dài gần 3km, nằm lọt thỏm trong những dãy núi nối tiếp nhau, nơi rộng nhất trên dưới 30m, nơi nhỏ nhất chỉ vừa đủ 2 con thuyền nhỏ tránh nhau, lòng sông chi chít những trụ đá hoa cương, với các địa danh được gọi tên theo hình dạng của đá trên sông như: Đá Thành, Đá Bàn Cờ, Đá Chùm, Đá Dựng, Đá Trải.
Hầm Hô có tiếng là nhiều cá, nhất là về mùa lũ. Cá từ khắp nơi kéo về từng bầy trông đặc cả nước. Cá lội ngược dòng bị thác nước hất tung trở lại trông như thể cá bay. Dân gian truyền rằng, hằng năm Long Vương tổ chức kì thi cho cá tại thác Hầm Hô. Con nào vượt qua được sẽ hóa rồng, nên cá từ sông Côn dồn cả về đây để thử vận may. Có lẽ do điển tích này mà thác Hầm Hô còn có tên chữ là Vũ Môn, còn dân gian thì gọi là thác Cá Bay.
Theo lời kể của người lái đò thì trước đây du khách có thể dễ dàng câu được cá chế biến ăn tại chỗ. Nhưng thời gian gần đây "cá khôn lắm", cứ thả câu xuống là cá không cắn mà bỏ đi, khi vứt mồi không xuống thì từng đàn cá lao vào tranh giành.
Đến đây du khách sẽ được di chuyển bằng thuyền nhỏ. Khởi hành dòng sông chỉ đủ chỗ cho hai thuyền nhỏ 8 chỗ ngồi tránh nhau. Trên đoạn đường đi du khách sẽ được thưởng ngoạn phong cảnh hoang sơ, kì bí. Hai bên bờ là rừng cây nguyên sinh mọc đan xen, chằng chịt vào vách đá, càng đi gần về phía đầu nguồn thì sông càng rộng ra, hai bên bờ là các bãi tắm tự nhiên, với làn nước trong vắt, mát mẻ, đan xen với một khung cảnh đẹp kì ảo của thiên nhiên.
Điều đặc biệt hơn cả là chúng ta được sống lại những ngày tháng hào hùng của lịch sử. Tại nơi đây, hơn hai trăm năm về trước, vị danh tướng Võ Văn Dũng đã rèn quân, luyện võ để rồi sau đó hợp lực với các thủ lĩnh Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa. Sau này, Mai Xuân Thưởng là nguyên soái đạo quân Cần Vương tại Bình Định từ giữa 1885 đến giữa năm 1887, dựa vào vị thế núi non hiểm trở của Hầm Hô, nghĩa quân do ông chỉ huy đã gây cho giặc Pháp nhiều tổn thất và khiếp sợ.
|
Bắt đầu khởi hành dòng sông chỉ rộng đủ chỗ cho hai thuyền nhỏ tránh nhau.
|
|
Du khách vãn cảnh bằng thuyền, luồn lách qua các phiến đá tự nhiên nổi lên trải dài khắp con sông.
|
|
Hai bên bờ sông có nhà hàng, quán ăn, khu nghỉ ngơi, vui chơi, có cả những chú vịt sắt dành cho những gia đình, cặp đôi muốn tự mình khám phá các ngóc ngách Hầm Hô.
|
|
Bãi tắm tự nhiên mọc lên hai bên bờ sông. Nước nơi cao nhất khu vực giữa sông cũng không ngập đầu người nên các cháu nhỏ thoải mái vui vầy tắm gần bờ cùng cha mẹ.
|
|
Góc tâm sự, yên tĩnh, lãng mạn mà các đôi uyên ương tìm đến thề non, hẹn biển.
|
|
Phút nghỉ ngơi thư giãn của một gia đình du khách.
|
|
Cập bến đầu nguồn.
|
|
Chụp ảnh kỷ niệm là điều không thể thiếu của các du khách khi tới đây.
|
|
Các du khách được đắm mình trong làn nước trong xanh, mát mẻ, tự do thể hiện các môn bơi ngửa, bơi ếch, bơi tự do...
|
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận