BOT không phải là PPP, người thì bảo PPP là BOT đời mới.
Ông Lê Văn Tăng – Cục trưởng Cục quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Ông Tăng cho biết: "Thậm chí đến bây giờ một số người vẫn nói triển khai BOT theo PPP. Tôi xin khẳng định tất cả các dự án đầu tư công Nhà nước phải làm nhưng Nhà nước không có tiền để làm nên cho phép tư nhân vào làm, sau đó thu hồi tiền đầu tư, vận hành, lợi nhuận đấy gọi là PPP. Còn Nhà nước muốn làm được PPP, chúng ta có các mô hình hợp đồng, hợp tác như BOT, BT, BTO… cho từng dự án cụ thể".
Để giải quyết những bất cập trong chính sách thí điểm PPP, ngay trong tháng này, Nghị định về PPP sẽ được ban hành dựa trên cơ sở luật Xây dựng, luật Đầu tư, luật Đầu tư công. Nghị định là sự kết hợp Nghị định 108 và Quyết định 71.
Dự thảo Nghị định PPP có 12 chương, 82 điều với các nội dung chính như sau: Các hình thức hợp đồng PPP, Lĩnh vực thực hiện dự án PPP, Điều kiện lựa chọn dự án, Phân loại quy trình thực hiện dự án, Thẩm quyền, Lựa chọn nhà đầu tư PPP, Nguồn vốn thực hiện dự án, Ưu đãi, bảo đảm đầu tư, Đầu mối thực hiện...
Hình thức lựa chọn, quy trình chi tiết, ưu đãi dành cho các nhà đầu tư cũng được quy định rõ trong Nghị định này.
Nghị định PPP quy định vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án bao gồm: Góp vốn để hỗ trợ xây dựng công trình dự án nhằm tăng tính khả thi về tài chính đối với dự án thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận từ người sử dụng; Thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện hợp đồng; Hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Ngoài các hình thức ưu đãi và bảo đảm đầu tư như: Ưu đãi về thuế, bảo đảm quyền thế chấp tài sản, bảo đảm cân đối ngoại tệ, bảo đảm về vốn và tài sản…, Dự thảo Nghị định bổ sung các hình thức bảo đảm khác như: Bảo đảm thực hiện quyền sử dụng đất (Đ.59), cho phép nhà đầu tư thế chấp quyền tài sản, quyền sử dụng đất và quyền kinh doanh công trình dự án (Đ.58)…
Ngoài ra, nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Đề xuất dự án được ưu đãi trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu dự án PPP theo quy định tại Điều 3 Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Cũng theo Nghị định này, các đơn vị chỉ đạo điều hành và đầu mối thực hiện chương trình PPP bao gồm: đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực, giúp Ban chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của mình.
Đơn vị chuyên trách quản lý đầu tư theo hình thức đối tác công tư: Căn cứ yêu cầu và điều kiện quản lý cụ thể, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đơn vị chuyên môn làm đầu mối quản lý hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư của Bộ, ngành, địa phương.
Song song với Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, trong đó có lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP. Dự thảo Nghị định đã được trình Chính phủ xem xét.
Theo Nghị định này, các điều kiện lựa chọn dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Điều 15, 20) bao gồm: 1. Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; 2. Phù hợp với lĩnh vực đầu tư quy định tại Điều 4 Nghị định này; 3. Có khả năng thu hút và tiếp nhận nguồn vốn thương mại, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư; 4. Có khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ ổn định, đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; 5. Có tổng mức đầu tư từ 20 tỷ đồng trở lên, trừ dự án đầu tư theo hợp đồng O&M và dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. 6. Dự án đáp ứng các điều kiện nêu trên và có khả năng thu hồi vốn từ khoản thu của người sử dụng được ưu tiên lựa chọn. 7. Ngoài ra, riêng đối với dự án do nhà đầu tư là doanh nghiệp nhà nước đề xuất thì doanh nghiệp nhà nước phải hợp tác với doanh nghiệp ngoài nhà nước để đề xuất dự án. |
Nhóm PV
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận