Anh Nguyễn Đức Thắng, một nhân viên của Công ty Thành Bưởi đã nghỉ việc đến Văn phòng Báo Giao thông tại TP HCM để phản ánh những bức xúc khi làm việc cho công ty này |
Sau khi đăng loạt bài “Nhà xe Thành Bưởi bị nhân viên tố nhiều vi phạm”, Báo Giao thông tiếp tục nhận được thông tin tố giác của nhiều nhân viên nhà xe này. Thông tin đáng lưu ý, dù là xe hợp đồng nhưng Thành Bưởi vẫn bắt khách dọc đường và những khách này được để ngoài danh sách mà nhân viên đã ký hợp đồng.
Phát giấy trống để ghi “danh sách đón khách dọc đường”
Sáng 12/7, anh Nguyễn Đức Thắng (Châu Phú, An Giang) từng là nhân viên Công ty Thành Bưởi thông tin cho Báo Giao thông biết, 100% nhân viên của Công ty Thành Bưởi trước khi xuất bến đều phải ký vào hợp đồng “vận chuyển hành khách” mà mình là người đại diện cho hành khách trên xe. Tổ trưởng giám sát sẽ kiểm tra, nếu nhân viên nào chưa ký sẽ được nhắc nhở ký vào để xuất bến. Hợp đồng này đi kèm danh sách đã được công ty điền sẵn, là danh sách hành khách thực tế của chuyến xe đó. Ngoài ra, Công ty Thành Bưởi còn đưa cho nhân viên tờ giấy trống có ghi “danh sách đón khách dọc đường”.
Anh Thắng giải thích: “Xe 44 chỗ, khi xuất bến chỉ có 40 hành khách. Trên hành trình đi, nếu có khách đặt vé đi dọc đường, tổng đài sẽ báo với nhân viên trên xe đón khách và điền vào danh sách đón khách dọc đường. Đó là danh sách khách ngoài hợp đồng. Khi về bến, công ty sẽ thu lại hợp đồng tổng số tiền khách trên hợp đồng và ngoài hợp đồng”.
Tương tự, anh Thiện Quân (TP HCM), nhân viên của Thành Bưởi mới nghỉ việc vào tháng 4/2017 cho biết, nhân viên nào cũng phải ký vào hợp đồng “vận chuyển hành khách” mới có thể đi. Hợp đồng này sẽ được nộp lại cho công ty sau khi kết thúc hành trình.
Tuy nhiên, tờ giấy ghi danh sách đón khách dọc đường công ty không thu, nên nhân viên cũng sẽ bỏ đi, miễn là đưa đủ tiền cho công ty trên số lượng khách thực tế. “Thông thường, danh sách đón dọc đường ngoài hợp đồng chỉ vài người, nhưng có những chuyến danh sách ngoài hợp đồng đón dọc đường có thể hơn 10 người, có điểm đón 2-3 khách, có điểm đón 5-6 khách”, anh Quân nói.
Năm 2015, Công ty Thành Bưởi không bắt nhân viên phải đại diện cho hành khách ký hợp đồng vận chuyển mà phát cho mỗi hành khách một tờ giấy bằng 1/2 trang A4 yêu cầu hành khách ký vào đó. “Sau này thấy việc làm quá nhiều hợp đồng trên một chuyến xe như vậy rất phức tạp nên công ty đã chuyển sang hình thức yêu cầu nhân viên đứng ra làm đại diện cho hành khách để ký”, Anh Nguyễn Đức Thắng nói.
Cơ quan thuế rất khó kiểm tra
Liên quan đến việc nhân viên Công ty Thành Bưởi tố đơn vị này đón khách dọc đường để ngoài hợp đồng, trao đổi với Báo Giao thông, ông Đàm Quý Dân, nguyên Chuyên viên Vụ Thanh tra Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, đã là xe hợp đồng thì phải có hợp đồng. Nếu chỉ có phiếu đăng ký đi xe chưa đủ yếu tố trở thành hợp đồng. Hình thức hợp đồng miệng, về quản lý nhà nước không được công nhận. Chưa kể hợp đồng nếu vô hiệu… cũng không được công nhận. Hay nói cách khác không có hợp đồng thì không phải là hình thức xe khách hợp đồng.
Với những tuyến “xe khách hợp đồng trá hình” như vậy, khách đi trên xe chủ yếu là khách lẻ, tâm lý của họ chỉ cần chút thuận lợi và giá cả phù hợp là chấp nhận đi. Tuy nhiên, họ lại ít quan tâm đến hợp đồng, hóa đơn, quyền lợi bảo hiểm và các quyền lợi khác. Vì thế, nhà xe có thể lợi dụng tâm lý đó gây khó trong việc phát hành hóa đơn. Khi hành khách lẻ không yêu cầu lấy hóa đơn, hoặc không lấy được do bị doanh nghiệp làm khó dễ, lúc đó nhà xe có thể lợi dụng không phát hành hóa đơn hoặc phát hành thấp hơn thực tế cả số hành khách và giá vận chuyển.
“Tuy nhiên, hành vi này nếu có xảy ra, cơ quan thuế khó có điều kiện để kiểm tra vì không có các tài liệu liên quan đến số hành khách không được phát hành hóa đơn. Bên cạnh đó ,hành khách lẻ chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt, nếu nhà xe để ngoài sổ sách, cơ quan thuế cũng không kiểm tra được”, ông Dân nói.
Theo ông Dân, nghi vấn thất thu thuế của Nhà nước là có thể xảy ra đối với loại hình vận tải này, chẳng hạn nhà xe đăng ký chạy hợp đồng 30 hành khách nhưng thực tế vận chuyển thu tiền 45 hành khách. Như vậy, nhà xe chỉ phát hành hóa đơn cho 30 hành khách, kê khai thuế theo hóa đơn 30 hành khách. Con số này không ai kiểm soát được.
Thành Bưởi lại thay đổi chiêu thức ký hợp đồng Sau khi Báo Giao thông phản ánh việc nhiều nhân viên tố nhà xe Thành Bưởi ép ký hợp đồng thuê xe, đại diện cho hành khách, từ ngày 13/7, nhà xe này đã thay đổi chiêu thức và để nhân viên dịch vụ ở quầy tiếp nhận hành khách đứng ra ký hợp đồng với mình. Qua tìm hiểu, 1 ngày làm việc của những nhân viên tiếp nhận hành khách của Công ty Thành Bưởi chi nhánh trên Đà Lạt (tại số 6 đường Lữ Gia, TP Đà Lạt) được chia làm 3 ca, trung bình cứ 10 người/ca. Ngày 13/7, ca trực đầu tiên bắt đầu từ 5h -13h. Trưởng bộ phận tiếp nhận hành khách của Công ty Thành Bưởi trực ca này là anh Trần Công Thành. Dưới anh Thành có khoảng 9 nhân viên khác. Trung bình cứ khoảng 1 tiếng sẽ có hai xe Thành Bưởi xuất bến. Trên những chuyến xe chạy sáng 13/7 của Công ty Thành Bưởi từ Đà Lạt - TP HCM sẽ do những nhân viên trong ca trực buổi sáng ký. Trong đó có hợp đồng anh Trần Công Thành trưởng bộ phận tiếp nhận hành khách của Công ty Thành Bưởi đứng ra ký hợp đồng thuê xe với ông chủ của mình là ông Lê Đức Thành, Giám đốc Công ty Thành Bưởi. Trong hợp đồng ký ghi rõ, hợp đồng vận chuyển hành khách, ký giữa ông Trần Công Thành, địa chỉ tại Cổ Loa, TP Đà Lạt (đại diện cho danh sách hàng khách đính kèm) ký với ông Lê Đức Thành (giám đốc Công ty Thành Bưởi). Điều đáng nói là, chính những hành khách trên xe cũng không hề hay biết có người đại diện cho mình đã đứng ra thuê xe và xe mình đang đi là xe chạy hợp đồng. Trong vai hành khách, phóng viên Báo Giao thông điện thoại xin gặp anh Trần Công Thành, người là đại diện cho mấy chục hành khách ký thuê xe một trong số chuyến xe sáng từ Đà Lạt - TP HCM. Chính anh Trần Công Thành xác nhận, mình là Trưởng bộ phận tiếp nhận khách của Công ty Thành Bưởi. “Tôi là người đứng ra đại diện cho những hành khách ký vào hợp đồng thuê xe để vận chuyển hành khách”, anh Thành nói. Tuy nhiên, trả lời Báo Giao thông trước đó, ông Lê Hồng Việt, Phó chánh Thanh tra SGTVT TP HCM khẳng định, Công ty Thành Bưởi giao cho nhân viên của mình ký hợp đồng làm đại diện cho hành khách trên xe là sai. Việc này chẳng khác nào “tay trái ký với tay phải” là không đúng quy định. Như vậy, với hành vi để nhân viên quầy tiếp nhận hành khách làm đại diện cho hành khách ký hợp đồng với chính ông chủ của mình vẫn chỉ là thủ đoạn “tay trái ký với tay phải” để qua mặt cơ quan chức năng. Nhóm P.V |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận