"Thánh Cô Cô Bóc" tại cơ quan điều tra. |
Như Báo Giao thông đã đưa tin, chiều 12/6, Cục Cảnh sát hình sự đã thi hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Trần Thị Hương Giang, 37 tuổi, trú ở ngõ 720 đường La Thành, phường Giang Võ, quận Ba Đình, Hà Nội về hành vi sử dụng mạng xã hội Facebook với nick name Huyen Nguyen, Tuyết Anh Trần để đăng các bài viết, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
Tại cơ quan điều tra, qua đấu tranh khai thác, bước đầu đối tượng khai nhận “Tập đoàn thánh bóc” trên mạng xã hội Facebook bao gồm nhiều cá nhân ở trong nước và cả ở nước ngoài.
Về vấn đề này, PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh).
Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc, xúc phạm danh dự nhân phẩm của cá nhân, tức là đưa thông tin không đúng sự thật về một cá nhân, việc xử lý hình sự từ trước đến nay chủ yếu dựa vào Điều 122 Bộ luật hình sự “Tội vu khống” hoặc Điều 121 “Tội làm nhục người khác”.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền (phải), Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh. |
Cũng theo quan điểm cá nhân của ông Truyền, có vẻ như đây là lần đầu tiên một người xâm phạm lợi ích hợp pháp của cá nhân bị khởi tố theo điều luật này.
Về việc khởi tố và bắt tạm giam Trần Thị Hương Giang (tức “Thánh Cô Cô Bóc”), ông Truyền cho rằng Cơ quan CSĐT Bộ Công an có đầy đủ căn cứ khi tiến hành khởi tố và bắt tạm giam Trần Thị Hương Giang. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng, người bị bắt giữ không đồng nghĩa với việc người đó có tội, bởi theo quy định tại Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự, không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Nếu bị kết án theo Điều 258 Bộ luật hình sự, Trần Thị Hương Giang có thể sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù thấp nhất là 6 tháng và cao nhất là 7 năm.
Đối với các cá nhân ở nước ngoài của “Tập đoàn Thánh Bóc”, Điều 6 Bộ luật hình sự quy định: “Công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này”.
Điều này có nghĩa nếu trong vụ án này có người phạm tội đang sinh sống ở nước ngoài, người đó vẫn có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự Việt Nam. Điều 343 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về việc dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự như sau: “Căn cứ vào các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập hoặc theo nguyên tắc có đi có lại, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước ngoài dẫn độ một người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để chấp hành hình phạt".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận