Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) đặt mục tiêu sản xuất ô tô với tỷ lệ nội địa hóa 40% - Ảnh: Tấn Thành |
Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã thất bại như thừa nhận mới đây của Bộ Công thương, trong khi lối ra cho ngành này chỉ trông chờ vào 2 doanh nghiệp quyết ngược dòng với tham vọng xuất khẩu ô tô.
Toyota giảm dần sản xuất trong nước
Theo thông tin từ Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) yêu cầu phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước ngày càng trở nên gấp gáp bởi theo báo cáo của Bộ Công thương vừa trình lên Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm 2017, lượng ô tô nhập khẩu đã tăng đột biến, trong đó nhập từ ASEAN tăng 46% và Ấn Độ tăng 28%. Đáng chú ý, lượng nhập khẩu tăng mạnh ở phân khúc xe con.
Trao đổi với PV Báo Giao thông bên lề hội thảo Cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn năm 2017-2020 ngày 31/5, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) cho biết, bên cạnh kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô, Bộ cũng soạn các nội dung liên quan tới hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, xây dựng đề án thành lập quỹ hỗ trợ phát triển công nghiệp, báo cáo nghiên cứu để kiến nghị điều chỉnh thuế nhập khẩu ô tô và phụ tùng trong năm nay và 2018. Đây là một trong số các nội dung cụ thể trong danh sách các nhiệm vụ cụ thể thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn năm 2017 - 2020. |
Theo lý giải của Bộ Công thương, một trong những nguyên nhân quan trọng là do Toyota dừng sản xuất xe Fortuner tại Việt Nam và chuyển sang nhập khẩu mẫu xe này nên lượng xe từ Indonesia tăng đột biến (3.629 chiếc). Cùng đó, xe con nhập từ Thái Lan tăng 217%; xe có dung tích nhỏ từ Ấn Độ tăng 5 lần dù thuế xuất nhập khẩu phổ thông đang rất cao - 70% nhưng bù lại là giá khai báo hải quan thấp hơn giá bán tại thị trường Ấn Độ.
Về phía Công ty Toyota Việt Nam, ngoài việc dừng sản xuất mẫu Fortuner, trước áp lực cạnh tranh của xe nhập khẩu nguyên chiếc khu vực ASEAN từ năm 2018 trở đi, công ty dự kiến chỉ duy trì sản xuất ô tô tại Việt Nam với sản lượng xe khoảng 50.000 xe/năm; Đồng thời, có kế hoạch giảm dần số mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước (các mẫu xe có sản lượng nhỏ, khó cắt giảm giá thành sản xuất sẽ được chuyển sang nhập khẩu từ các nước trong khu vực) chuyển sang nhập khẩu dồn vào một số mẫu xe lắp ráp CKD chủ lực có nhu cầu tiêu thụ cao.
Bộ Công thương dự báo, nhu cầu ô tô của nước ta năm 2025 khoảng 800-900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5 - 1,8 triệu xe. Nếu không phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, toàn bộ thị trường xe con sẽ nhập khẩu. Xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa 50%. Như vậy, kim ngạch nhập khẩu năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng trong thời gian tới, nếu ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước không được phát triển, Bộ Công thương cho rằng, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng nước ngoài.
Hai doanh nghiệp nội quyết ngược dòng
Nhưng để khắc phục tình trạng ấy, nhất là tận dụng ưu thế thuế xuất khẩu khu vực ASEAN 0%, các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 40%. Con số này là mục tiêu thực hiện từ năm 2005 nhưng đến nay tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó THACO đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova. (Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65-70%, Thái Lan đạt tới 80%). Các sản phẩm Việt Nam đã được nội địa hóa thì mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: Săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa…
Tuy nhiên, mặc xuất phát thấp này, Bộ Công thương cho biết, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) và Tập đoàn Thành Công trong quý II/2017 ký hợp đồng liên doanh để đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp xe ô tô tải, xe ô tô buýt với tỷ lệ nội địa hóa 40% cung cấp thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước ASEAN vào năm 2018. Tổng mức đầu tư được tiết lộ dự kiến khoảng 320 triệu USD, với công suất thiết kế 32.500 xe/năm/ca, gồm các sản phẩm ô tô tải, ô tô mini buýt, ô tô buýt và xe chuyên dùng phục vụ thị trường trong nước và các nước ASEAN, châu Phi, Trung Đông.
Trước đó, THACO đã khởi công nhà máy THACO Mazda tại Quảng Nam với công suất 100.000 xe/năm (giai đoạn 1: 50.000 xe/năm) với tổng vốn đầu tư là 12.000 tỷ đồng (tương đương 520 triệu USD). Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động tháng 4/2018. Mục tiêu của THACO tại nhà máy này cũng là tỷ lệ nội địa hóa 40%.
Cùng với THACO, Tập đoàn Thành Công cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác cùng Hyundai Motor Hàn Quốc liên doanh, mở rộng sản xuất lắp ráp xe du lịch Hyundai tại Việt Nam. Liên doanh này sẽ mở rộng sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất, lắp ráp hiện đại của Hyundai trên toàn cầu. Từ đó, dự kiến cơ cấu sản phẩm xe Hyundai tại Việt Nam sẽ chuyển dịch tỷ trọng từ 20% xe lắp ráp CKD hiện tại (2 mẫu xe du lịch lắp ráp là Hyundai SantaFe, Hyundai Elantra) lên khoảng 70-80% CKD trong năm 2017 và tiếp tục tăng lên trên 90% CKD trong năm 2018. Đồng thời, liên doanh cũng đặt mục tiêu xuất khẩu xe ô tô du lịch Hyundai, xe khách, xe buýt, xe mini buýt của Thành Công sang các nước khác trong khu vực ASEAN.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận