Cụ Lê Thị Tùng đang trao đổi với PV. |
Theo phản ánh của người dân thôn 5, xã Hoằng Khánh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, dịp Tết vừa qua, nhiều hộ nghèo trong thôn được hỗ trợ 10kg gạo/khẩu thay vì 15kg theo quy định. Không những thế, có những hộ nghèo có 4 người nhưng xã chỉ cấp cho 2 khẩu.
Nhận gạo thì ít nhưng chia thì nhiều
Bà Nguyễn Thị Đợt (70 tuổi, trú tại thôn 5, xã Hoằng Khánh) cho biết: “Nhà tôi là hộ nghèo năm 2016 có tổng cộng 4 khẩu, nhưng thực tế khi được cấp gạo thì chỉ cấp cho 2 vợ chồng tôi mỗi người 10kg gạo trong khi đáng ra phải là 15kg. Không những thế, nhà tôi có hai đứa con vắng mặt ở nhà cũng không được cấp. “Khi tôi thắc mắc là cấp gạo theo khẩu hành chính hay như thế nào thì xã bảo là cấp theo khẩu thực tại đang ở nhà, người đi làm ăn xa không cấp”, bà Đợt cho hay.
Tìm về nhà chị Nguyễn Thị Vinh (SN 1979, ở thôn 5), chúng tôi gặp bố đẻ của chị là ông Nguyễn Hữu Phú. Ông cho biết, chị Vinh có chồng và hai con nhỏ. Năm 2015, chị phát hiện bệnh và ra Hà Nội điều trị bệnh trầm cảm nặng. Chồng chị Vinh đi làm ăn xa để kiếm tiền nuôi con nhỏ ăn học và chữa bệnh cho vợ nên ông Phú phải trông nom nuôi nấng hai cháu nhỏ. Bản thân gia đình chị Vinh cũng thuộc diện hộ nghèo nhưng khi được cấp gạo hỗ trợ cứu đói chỉ được cấp 30kg gạo cho ba khẩu thực tại, còn khẩu của người chồng không được cấp. “Khi thôn cấp phát có ba khẩu tôi thấy không đúng quy định nên đã điện cho lãnh đạo huyện hỏi cho rõ thì được biết là mỗi khẩu của hộ nghèo phải được 15kg chứ không phải 10kg gạo. Tôi cũng hỏi trưởng thôn thì trưởng thôn bảo là làm theo chỉ đạo của xã”, ông Phú nói.
Theo tìm hiểu được biết, việc cấp gạo thiếu cho các hộ thuộc diện nghèo là do xã Hoằng Khánh đã phân chia không đồng đều giữa các hộ nghèo, hộ thoát nghèo và hộ thoát cận nghèo trên địa bàn xã.
Cụ Lê Thị Tùng (92 tuổi, ở thôn 5) cho biết, cụ có 5 người con gái đều đi lấy chồng xa, lâu nay một mình cụ sống trong căn nhà nhỏ tềnh toàng và được công nhận là hộ nghèo. Do cuộc sống khó khăn, nên mới đây người con gái út cùng chồng về xây một căn nhà nhỏ rồi nhập khẩu ở chung trên mảnh đất của cụ. Trong quá trình bình xét hộ nghèo cuối năm, thấy nhà cụ không đạt tiêu chí hộ nghèo nên xã đã cho nhà cụ thoát nghèo. “Chồng mất, tôi ở một mình nhiều năm nay và là hộ nghèo. Nhưng năm 2016 thì bị cắt hộ nghèo do vợ chồng con gái út nhà tôi về nhập khẩu. Thấy điều kiện hoàn cảnh của tôi nên cán bộ đã hướng dẫn tách khẩu để công nhận hộ nghèo năm 2017. Trong dịp gần Tết, xã có cấp cho tôi 10kg gạo cứu đói”, cụ Tùng tâm sự.
Xã tự ý chia gạo sai quy định
Theo ông Nguyễn Văn Tài, Phó chủ tịch UBND xã Hoằng Khánh, dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, xã Hoằng Khánh được huyện Hoằng Hóa cấp 4.170kg gạo để hỗ trợ những hộ nghèo với định mức 15kg/khẩu.Tuy nhiên, khi lên danh sách phân chia gạo cho các hộ thì số lượng gạo được cấp và số hộ lệch nhau nhiều, không thể chia 15kg/khẩu.
Lý giải vì sao xã không lập danh sách các hộ nghèo lên huyện để xem xét phân bổ gạo cho đúng, ông Tài cho hay, trong năm 2016 có 21/110 hộ thoát nghèo, như vậy năm 2017 còn 89 hộ nghèo (221 khẩu). Khi nhận gạo về, UBND xã họp bàn thống nhất sẽ cấp thêm cho những hộ vừa thoát nghèo, nâng tổng số khẩu được cấp gạo hỗ trợ là 410 và mỗi người sẽ nhận được 10kg gạo. “Chúng tôi cũng thực hiện theo tinh thần của Ban thường vụ Đảng ủy xã chứ không phải do bớt xén gạo của bà con”, ông Tài cho biết thêm.
Theo tìm hiểu được biết, trong đợt Tết Đinh Dậu năm 2017, huyện Hoằng Hóa là một trong các đơn vị xin gạo hỗ trợ nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa với 235 tấn gạo để hỗ trợ người dân đón Tết. |
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Đức Giang, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa xác nhận có sự việc như người dân đã phản ánh. Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng LĐ, TB&XH xuống kiểm tra thực tế. Đồng thời, yêu cầu UBND xã Hoằng Khánh bỏ tiền túi hoặc xã hội hóa mua gạo để cấp phát đủ cho bà con nhân dân thuộc diện được hưởng nhận đủ số gạo theo quy định.
Ông Giang cũng cho biết, sở dĩ UBND xã Hoằng Khánh thực hiện việc phân phát gạo tới các hộ nghèo là trên tinh thần “tương thân tương ái”. Cụ thể, những hộ vừa thoát nghèo cũng được nhận gạo cứu đói dẫn đến tình trạng phân bổ không đồng đều. “Đây là một xã nghèo nên anh em ở xã dựa trên tình hình thực tế để tiến hành phân phát, chứ xã cũng không ai dám lấy một cân gạo nào cả. Còn tất nhiên, theo quy định của Nhà nước thì rõ ràng chính quyền xã Hoằng Khánh đã làm sai”, ông Giang khẳng định.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận