Nước từ trên đồi chảy xuống hòa vào nguồn nước phục vụ việc đồng áng cho bà con nhân dân. |
Tìm về thôn Yên Ninh, cảnh tượng ban đầu đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà không có giếng nước. Sự bất thường ấy không có gì lạ với người dân nơi đây, bởi cuộc sống thiếu nước sinh hoạt đã gắn bó với họ hàng chục năm qua.
Nước sinh hoạt pha xăng
Đồi K6, nơi trước đây là trạm trung chuyển xăng dầu, thuộc thôn Yên Ninh, xã Công Bình trong những năm chiến tranh đã trở thành toạ độ để giặc Mỹ đánh phá. Hàng chục nghìn m3 xăng, dầu cũng vì thế mà bị rò rỉ ngấm sâu vào lòng đất ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt của người dân sống xung quanh.
Ông Nguyễn Văn Hạnh (SN 1952), trú tại thôn Yên Ninh cho hay, từ khi lớn lên và sinh sống ở đây, ông đã chứng kiến mọi việc sinh hoạt của người dân đều nhờ vào nguồn nước nhiễm xăng này. “Sau khi giặc Mỹ đánh bom xuống kho xăng, toàn bộ xăng trong nhiều téc và đường ống bị vỡ ngấm sâu vào lòng đất rồi chảy theo mạch nước. Đã hơn 40 năm nay, chúng tôi khoan, đào giếng để lấy nước sinh hoạt nhưng không được. Dù có khoan sâu mấy nhưng nước vẫn có mùi xăng. Nơi đất cao thì đỡ nhưng càng xuống dưới chân đồi K6 thì càng thấy rõ. Biết là nước bị ô nhiễm nhưng dân làng cũng phải uống, phải dùng vì không có nguồn nước thay thế”, ông Hạnh tâm sự.
Cũng theo ông Hạnh, những năm sau chiến tranh, bà con trong vùng thường xuyên lấy xăng từ nước để thắp sáng. Trước đây cả thôn có hơn 100 hộ dân nhưng giờ đã bỏ đi nơi khác hết chỉ còn lại 46 hộ, nguyên nhân người dân bỏ làng ra đi cũng xuất phát từ việc nguồn nước bị ô nhiễm. “Những người ở lại cũng phải cố gắng sống, trong thôn có nhiều người chết vì ung thư và mắc bệnh viêm họng, nhưng nguyên nhân dẫn tới việc này cũng chưa được khẳng định là có phải do nguồn nước nhiễm xăng không”, ông Hạnh tâm sự.
Anh Nguyễn Thanh Tình (46 tuổi, trú tại thôn Yên Ninh, xã Công Bình) cho biết: “Từ khi lập nghiệp ở đây khoảng hơn 20 năm trước, gia đình đã đào 5 cái giếng rồi nhưng nước vẫn có váng xăng, mùi xăng dầu bốc lên nồng nặc không thể sử dụng được. Ban đầu đào một cái ao lớn để nuôi cá nhưng không được vì nước trên đồi cứ chảy theo mạch ra đỏ ngầu, mùi xăng thì bốc lên nồng nặc. Đào đi hơn 500 xe đất nhưng không mấy khả quan vì nước có mùi xăng cứ chảy ra đỏ như máu. Cuối cùng tiền thì mất nhưng biết phải làm sao. Giờ thì uống nước mưa, hết nước mưa thì dùng can đi khoảng 400m vào nhà dân xin nước về uống thôi”.
Nước sạch bao giờ mới tới dân?
Qua tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện nay, trên địa bàn thôn Yên Ninh chưa có hệ thống cung cấp nước sạch, nguồn nước phục vụ ăn uống và sinh hoạt của 46 hộ dân chủ yếu là nước mưa và giếng khoan, giếng khơi từ những hộ gia đình khác trong xã. Theo đánh giá của Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa thì nguồn nước tại thôn Yên Ninh có váng dầu và mùi xăng, phân tích dầu mỡ khoáng trong nước giếng khoan cho thấy, vượt quy chuẩn cho phép 2,62 lần (không đạt tiêu chuẩn sử dụng làm nguồn nước sinh hoạt).
Ông Trần Văn Thuấn, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết: “Huyện cũng đã có tờ trình lên UBND tỉnh về vấn đề trên và đã được tỉnh đồng ý. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn chờ Sở TN-MT, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch - Đầu tư xem xét để có phương án tốt nhất, lâu dài cho nhân dân. Chúng tôi thấy phương án hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình một bể đựng nước mưa khoảng 10 m3 là tốt nhất”. Cũng theo ông Thuấn, mặc dù các ngành chức năng đã phân tích được mẫu nước nhưng về diện tích bị ảnh hưởng bởi xăng vẫn chưa có sự rà soát, xác định cụ thể. Từ đó, dẫn tới việc hỗ trợ xây dựng bể nước cho nhân dân vẫn... phải chờ (!).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận