Theo phản ánh của người dân xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, núi Đụn có hang động gắn liền với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Tuy nhiên, gần đây có một công ty đang tiến hành khai thác, chế biến đá.
Cụ thể, người dân các thôn: Gia Miêu, Khắc Dũng, Nghĩa Đụng cho biết, phía sau khu vực Miếu Triệu Tường thuộc khu di tích Lăng Miếu Triệu Tường (đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia) có núi Đụn. Trên núi có 4 cửa vào động, trong động có nhiều nhũ đá tự nhiên rất đẹp.
Bà N.T.M (60 tuổi, ngụ ở thôn Nghĩa Đụng, xã Hà Long) cho hay: "Trên núi đá này có nhiều cửa hang và bên trong có một hang động với nhiều nhũ đá đẹp, ngoài ra còn có hồ nước ngầm. Mặc dù chưa được khám phá hết phía trong nhưng núi Đụn rất linh thiêng, gắn bó bao đời với người dân chúng tôi.
Xung quanh đây đều là những di tích lịch sử, văn hóa nên việc cho khai thác đá sẽ ảnh hưởng rất lớn. Chúng tôi mong sao cơ quan chức năng xem xét, dừng việc khai thác lại".
Qua tìm hiểu được biết, năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Tiến Thịnh. Năm 2018, tỉnh Thanh Hóa điều chỉnh giấy phép với diện tích mỏ 25.391m2 (trong đó: Khu vực khai thác là 17.871m2, khu vực khai trường là 7.520m2), thời hạn khai thác 17 năm 9 tháng.
Từ khi cấp giấy phép, công ty này không khai thác, mà chỉ mới thực hiện việc làm đường dẫn vào mỏ, khu nhà điều hành. Mãi đến đầu năm 2024, Công ty TNHH Tiến Thịnh mới vào khai thác và chế biến đá làm ảnh hưởng trực tiếp đến cửa vào Động (cửa chính vào Động nằm ở phía Đông núi Đụn).
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Hà Long cho biết: Sau khi công ty quay lại khai thác thì nhân dân các thôn có ý kiến đề nghị UBND xã, UBND huyện xem xét đề nghị dừng khai thác đá vôi tại khu vực núi Đụn. Lý do núi Đụn là nơi có hang động gắn liền với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn xã Hà Long.
"Nghe nói, trước kia công ty này cũng gặp khó khăn nên chưa vào khai thác. Mãi đến đầu năm 2024 quay lại làm. Khi chúng tôi có ý kiến thì phía công ty cũng đã dừng hẳn việc khai thác, chỉ hót dọn sạch ở dưới chân núi", ông Thành cho hay.
Theo ông Thành, sau khi nhận được phản ánh, địa phương đã tiến hành khảo sát các điểm di tích hiện đã được công nhận để có kế hoạch đề nghị cấp trên tu bổ tôn tạo.
Qua khảo sát, trên núi có 4 cửa vào động, trong động có nhiều nhũ đá đẹp, có nhiều tiềm năng phát triển chuỗi du lịch tâm linh, sinh thái: Lăng Miếu Triệu Tường, Đình Gia Miêu, Đền Quan Hoàng Triệu Tường, Hồ bến Quan, Lăng Trường Nguyên Thiên Tôn, Núi Đụn, Đền rồng, Đền Nước...
UBND xã Hà Long cũng đã có văn bản đề nghị UBND huyện Hà Trung trình UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét dừng khai thác khoáng sản để tạo điều kiện phát triển núi Đụn trở thành một điểm thu hút khách đến thăm quan du lịch.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung cho biết, sau khi kiểm tra phản ánh đúng thực tế, huyện cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh và các ngành chức năng xem xét và đánh giá.
Mặc dù là khu vực cho khai thác khoáng sản nhưng với phát hiện của người dân thì địa phương mong muốn cơ quan chuyên môn về đánh giá cụ thể và có giải pháp. Quan điểm của huyện là cũng muốn giữ lại núi Đụn để tạo ra chuỗi du lịch tâm linh, sinh thái.
Trong số các di tích được công nhận, tại xã Hà Long có di tích Lăng Miếu Triệu Tường được vua Gia Long cho xây dựng năm 1803, tại thôn Gia Miêu. Đây là nơi phát tích của 9 chúa, 13 vua triều Nguyễn.
Lăng Miếu Triệu Tường là công trình kiến trúc tưởng niệm - miếu thờ của vương triều Nguyễn, được xây dựng với quy mô lớn, có giá trị đặc biệt về kiến trúc và nghệ thuật trang trí điêu khắc.
Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Lăng Miếu Triệu Tường, tỉnh Thanh Hóa đã lên có kế hoạch đầu tư gần 500 tỷ đồng để phục dựng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận