Phát biểu tại “Lễ ra mắt sản phẩm du lịch thông minh và đón khách tham quan Chính điện Lam Kinh, tỉnh Thanh Hoá” ngày 2/4, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Thanh Hóa là 1 trong 4 địa phương được Tổng cục Du lịch lựa chọn để xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.
Lễ ra mắt sản phẩm du lịch thông minh và đón khách tham quan Chính điện Lam Kinh, tỉnh Thanh Hoá
Vào năm 2021, Tổng cục Du lịch, Tổng Công ty viễn thông Mobifone và UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký kết “Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch Thanh Hóa thông qua chuyển đổi số và du lịch thông minh”.
“Đây là cơ sở quan trọng để triển khai các chương trình hợp tác chuyển đổi số phục vụ phát triển du lịch địa phương một cách bền vững, lâu dài”, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch nhấn mạnh.
Dự án du lịch thông minh được triển khai trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đã tập trung xây dựng ứng dụng du lịch thông minh và thành công số hóa nhiều địa điểm du lịch của Thanh Hóa với các tính năng: Trải nghiệm du lịch VR 360; trải nghiệm du lịch nội khu bằng công nghệ thực tế ảo tăng cường AR; tìm kiếm và tra cứu thông tin du lịch.
Hiện tại, đã có số hoá du lịch tại các địa danh nổi tiếng, như: Khu di tích Lam Kinh; Pù Luông; Thành nhà Hồ; Đền Nưa - Am Tiên.
Khu di tích Quốc gia Lam Kinh ở Thanh Hóa đã số hóa du lịch với các trải nghiệm thông minh
Trong giai đoạn 2, sẽ tập trung phát triển các tính năng nâng cao về kết nối các tổ chức lưu trú, lữ hành, nhà hàng, khu giải trí.
Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các khu du lịch trọng điểm. Trong đó, có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch tự động; 100% các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh được lắp dựng hệ thống mạng internet không dây công cộng phục vụ khách du lịch.
Ngoài ra, tỉnh còn đặt mục tiêu có 100% máy tra cứu thông tin du lịch và dịch vụ được lắp tại các khu vực: Cảng hàng không Thọ Xuân, ga Thanh Hóa, cửa khẩu quốc tế Na Mèo và các khu du lịch trọng điểm.
Trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tiếp tục triển khai các sản phẩm thực tế ảo, thực tế tăng cường tại các khu, điểm du lịch; khẩn trương hoàn thiện dự án Cổng thông tin điện tử về du lịch và ứng dụng du lịch thông tin trên thiết bị di động tại tỉnh Thanh Hóa.
Đồng thời, nghiên cứu cập nhật, số hóa dữ liệu du lịch Thanh Hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong đăng ký điểm đến, dịch vụ an toàn trên bản đồ ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, cũng như chào và bán dịch vụ online, thanh toán trực tuyến...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận