Là địa phương có tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua với chiều dài 98,5km, tỉnh Thanh Hóa sẽ có nhiều lợi thế trong việc hoàn thiện mạng lưới giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng.
Lợi thế từ cao tốc Bắc - Nam
Theo thống kê, Thanh Hoá có 23.272km đường bộ (trong đó quốc lộ 1.299km, đường tỉnh1.464km, đường đô thị 1.021km, đường chuyên dùng 142km, đường giao thông nông thôn 19.345km), bao gồm đầy đủ 5 phương thức vận tải (hàng không, đường bộ, đường biển, đường thủy, đường sắt).
Hiện nay, hệ thống mạng lưới đường giao thông quốc lộ, đường tỉnh và giao thông nông thôn cơ bản kết nối liên hoàn.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhận định: Khi chưa có tuyến đường bộ cao tốc đi qua, hạ tầng giao thông của tỉnh còn hạn chế nhiều. Chưa có trục giao thông hiện đại với năng lực thông hành lớn để kết nối xuyên suốt tỉnh Thanh Hóa với các khu vực trong cả nước.
Giao thông đường bộ phục vụ giao thương, kết nối liên tỉnh chủ yếu thông qua quốc lộ 1 nhưng những năm gần đây nhiều đoạn tuyến trên quốc lộ 1 đã quá tải, gây ùn tắc trong giờ cao điểm, phát sinh nhiều nhiều điểm đen về giao thông.
Mặt khác, đây là tuyến đường được đầu tư xây dựng đã lâu, qua nhiều đô thị, khu vực đông dân cư, lưu thông hỗn hợp với các loại xe thô sơ nên không thể đáp ứng vai trò là tuyến vận tải có năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, an toàn và khó khăn trong việc đầu tư nâng cấp, mở rộng.
So với các tuyến đường bộ thông thường khác như quốc lộ, đường tỉnh..., tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Thanh Hoá đã được đầu tư đưa vào sử dụng tạo ra lợi thế vượt trội, đảm nhận năng lực vận tải hàng hóa, hành khách với khối lượng lớn, giảm giá thành vận tải, thời gian di chuyển, giảm ùn tắc, TNGT...
Cũng theo ông Liêm, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã rút ngắn hành trình từ Thanh Hóa đi các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, đẩy mạnh cơ hội đầu tư vào khu vực miền Bắc và miền Trung, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1;
Giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa miền Bắc với miền Trung cũng như hai đầu Bắc - Nam, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa.
Đồng thời, cùng với đường bộ cao tốc, sẽ tạo điều kiện thúc đẩy triển khai nhiều dự án giao thông khác như: Nhà ga hành khách quốc tế, nhà ga hàng hóa Cảng hàng không Thọ Xuân, tuyến đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội - Vinh, đầu tư phát triển hệ thống cảng biển… để ngày càng hoàn thiện bức tranh giao thông xứ Thanh, thuận lợi cho giao thương vùng miền.
Cao tốc Bắc - Nam qua Thanh Hoá giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, giao thương hàng hóa của nhân dân, tiết kiệm thời gian và chi phí vận tải, đảm bảo an toàn giao thông;
Tạo cơ hội về việc làm cho nhân dân do sẽ có nhiều khu công nghiệp, nhà máy dọc các tuyến đường gom của đường bộ cao tốc, qua đó nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân;
Thuận lợi cho nhân dân chuyển đổi nghề nghiệp từ nông nghiệp sang các ngành, nghề dịch vụ thương mại, sản xuất kinh doanh, du lịch, mang lại thu nhập cao và ổn định.
Phát triển mạng lưới giao thông, thu hút nhà đầu tư
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam hoàn thành đã tạo ra tính kết nối với mạng lưới giao thông địa phương thông qua các nút giao liên thông với các tuyến đường quốc lộ 217B, quốc lộ 217, quốc lộ 47, quốc lộ 45 và Nghi Sơn - Bãi Trành tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn.
Các phương tiện tham gia giao thông sẽ phân bổ trên trục đường này, góp phần giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, vệ sinh môi trường của các tuyến đường địa phương đặc biệt trên tuyến quốc lộ 1.
Giao thông thuận tiện, là "cú hích" trong khâu đột phá chiến lược đối với ngành du lịch ở tỉnh Thanh Hoá. Bởi hiện nay, địa phương này sở hữu nhiều điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách nước ngoài như: Bãi biển Sầm Sơn; Biển Hải Tiến; Suối cá thần Cẩm Thuỷ; Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ; Khu di tích lịch sử Lam Kinh…
Chính vì vậy, để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của ngành du lịch, tỉnh Thanh Hoá đang nghiên cứu xây dựng thêm các tuyến đường mới để kết nối thuận tiện hơn nữa giữa đường cao tốc nối với khu du lịch bến En, khu tâm linh Am Tiên;
Cùng với việc sau này Cảng hàng không Thọ Xuân trở thành Cảng Hàng không Quốc tế thì trục cao tốc sẽ là trục giao thông đường bộ đối ngoại để kết nối các điểm du lịch Thanh Hóa với các điểm du lịch của các tỉnh láng giềng như khu di sản văn hóa thế giới và thiên nhiên Tràng An, Bái Đính, Cửa Lò và các tỉnh khác trong nước cũng như trên các nước trên thế giới.
Hiệu quả của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua Thanh Hoá đem lại là rất lớn. Tạo đòn bẩy thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến để nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt cơ hội đầu tư kinh doanh du lịch như các dự án đang triển khai: Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương của Công ty Cổ phần Mặt Trời Thanh Hóa; Dự án sân golf TNG Hà Long và dự án Tổ hợp nghỉ dưỡng và giải trí Hà Long ở xã Hà Long, huyện Hà Trung của Công ty Cổ phần phát triển Tân Hà Trung; Dự án Khu du lịch Hoằng Phụ thuộc xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Flamingo…, nâng tổng số dự án đầu tư kinh doanh du lịch đang triển khai trên địa bàn tỉnh đến nay là 81 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 145.500 tỷ đồng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh hoá Mai Xuân Liêm cho rằng, để phát huy hiệu quả tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam được Nhà nước đầu tư xây dựng.
Đối với đoạn tuyến qua tỉnh Thanh Hoá có 7 nút giao liên thông, ngoài nút giao tại xã Tân Trường thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn, 6 nút giao còn lại, tỉnh Thanh Hoá đã quy hoạch 5 KCN gắn với các nút giao, bao gồm: KCN Hà Long, huyện Hà Trung; KCN Hà Lĩnh, huyện Hà Trung; KCN Giang Quang Thịnh, huyện Thiệu Hóa; KCN Tây TP Thanh Hóa và KCN Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống. Các KCN này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh Thanh Hoá.
Để bảo đảm tính kết nối, phát huy hiệu quả đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên nguồn lực, bố trí 9.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh để đầu tư một số dự án lớn quy mô từ 4-8 làn xe kết nối các tuyến đường trọng điểm của địa phương với dự án cao tốc thông qua các nút giao, như: Tuyến nối quốc lộ 1 với quốc lộ 45 và nút giao cao tốc Thiệu Giang; tuyến TP Thanh Hóa với Cảng hàng không Thọ Xuân và nút giao Đồng Thắng; tuyến nút giao Vạn Thiện với Vườn Quốc gia Bến En; tuyến nối cao tốc với quốc lộ 1 đi cảng nước sâu Nghi Sơn.
Mặt khác, hiện tại, tỉnh Thanh Hoá đang triển khai lập quy hoạch phân khu và thu hút được một số nhà đầu tư lớn quan tâm đầu tư hạ tầng KCN như: Tập đoàn Sumitomo tại KCN phía Tây TP Thanh Hóa và một số công ty, tập đoàn lớn khác tại Việt Nam đang quan tâm tại các KCN còn lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận