Chiều 5/4, Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về chuyên đề "Việc thực hiện chính sách pháp luật về đảm bảo TTATGT từ năm 2009 đến năm 2023".
Có cần chia tỷ lệ nồng độ cồn?
Thông qua các báo cáo của địa phương, đại biểu trong đoàn công tác sẽ đánh giá cụ thể việc thực hiện luật ở cấp cơ sở. Đồng thời, cũng đưa ra một số vấn đề liên quan đến sửa đổi Luật Đường bộ và Luật TTATGT.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, đối với những kiến nghị của địa phương về lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT như quy định chỗ ngồi, tiêu chí xác định điểm đen, khắc phục điểm đen giao thông, thay đổi giáo trình giảng dạy…
Ông Giang cũng đề nghị với các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa làm rõ: Việc xử lý nguội giao thông đối với các phương tiện thực hiện trong thời gian bao lâu để đảm bảo tính chính xác, kịp thời; Tại sao số liệu TNGT năm 2023 lại tăng cao so với những năm trước.
Bà Cao Thị Xuân, Phó chủ tịch hội đồng dân tộc, Phó trưởng đoàn giám sát thì đặt câu hỏi: "Trước việc Quốc hội ấn nút thông qua hai dự án sửa đổi Luật Đường bộ và Luật TTATGT, một số ý kiến cho rằng xử lý nồng độ cồn tính bằng 0 hay cần phải có tỷ lệ phần trăm, tỉnh Thanh Hóa có góp ý gì về vấn đề này không?".
Trả lời những câu hỏi trên, Đại tá Phan Thị Hường, Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho hay, số liệu TNGT tăng đột biến trong năm 2023 là do thời điểm đó, trên địa bàn triển khai nhiều dự án giao thông như cao tốc, đường ven biển, khu công nghiệp nên phương tiện tham gia giao thông tăng cao.
Mặt khác, qua thống kê phương tiện đăng ký trên địa bàn tỉnh hiện hơn 160.000 xe ô tô và 2,5 triệu xe máy, xe mô tô nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra va chạm.
Ngoài ra, trước đây, ở cấp cơ sở không thống kê những vụ va chạm giao thông. Hay như các trường hợp sau khi bị TNGT thì giữa nạn nhân và người gây tai nạn thương lượng nên không thể điều tra. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh đã chấn chỉnh lại việc báo cáo các vụ việc liên quan đến TNGT.
Đối với xử lý phạt nguội qua hình ảnh, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện rất tốt. Chỉ tính trong năm 2023 đã phát hiện xử lý 8.078 trường hợp vi phạm giao thông, với số tiền phạt khoảng 23,6 tỷ đồng.
"Về việc chia tỷ lệ phần trăm trong xử lý nồng độ cồn, quan điểm của Công an tỉnh Thanh Hóa là đã tham gia giao thông thì không sử dụng rượu bia, không chia tỉ lệ phần trăm. Việc quyết liệt xử lý nồng độ cồn trong thời gian qua đã được Nhân dân đồng thuận, ủng hộ và đã có nhiều chuyển biến trong sinh hoạt hằng ngày", Đại tá Hường nói.
Nhiều bất cập trong quản lý, xử lý vi phạm
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 1/7/2009 đến hết ngày 31/12/2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 8.817 vụ TNGT, làm chết 2.609 người, bị thương 7.181 người.
Về nguyên nhân, thiếu chú ý quan sát chiếm 22,6% số vụ; Vi phạm phần đường chiếm 19% số vụ; vi phạm tốc độ chiếm 15% số vụ; Vi phạm nồng độ cồn chiếm 1% số vụ; Các nguyên nhân khác chiếm 17% số vụ; Đang điều tra 10,7% số vụ…
Tính từ ngày 01/7/2009 đến hết ngày 31/12/2023, các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra, xử lý 1.393.948 trường hợp vi phạm TTATGT; Phạt tiền nộp kho bạc Nhà nước 1.474,4 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 101.882 trường hợp, tạm giữ 165.635 phương tiện.
Từ những con số trên, ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, ý thức chấp hành pháp luật giao thông, kỹ năng điều khiển phương tiện của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém; Thiếu trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông.
Công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ đã có chuyển biến tích cực như: Quản lý giờ học, thời gian đào tạo, chương trình học… Tuy nhiên, giáo trình đào tạo chưa sát với thực tế cho nên cần xem xét sửa đổi chương trình đào tạo; Nâng cao kỹ năng, trình độ của giáo viên tham gia giảng dạy.
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND tỉnh Thanh Hóa.
"Chúng ta phải xác định đào tạo ra sản phẩm có chất lượng chứ không phải đưa ra sản phẩm lỗi, gây nguy hại cho người khác. Tôi chưa hài lòng về công tác đào tạo sát hạch lái xe như hiện nay", ông Liêm nói.
Cũng theo ông Liêm, một số quy định của pháp luật về TTATGT còn chưa được bổ sung, điều chỉnh kịp với tình hình thực tế hoặc khó vận dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác của các lực lượng làm nhiệm vụ.
Đơn cử như một số trường hợp vi phạm nồng độ cồn có mức phạt thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, trong khi quy định trong vòng 24 giờ người có thẩm quyền xử phạt phải ký quyết định tạm giữ thì rất khó cho các địa phương ở xa trung tâm tỉnh lỵ.
Kết luận buổi làm việc, Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng: "Thanh Hóa có tốc độ phát phát triển phương tiện giao thông nhanh, trong khi hạ tầng giao thông phát triển chưa theo kịp yêu cầu.
Vì thế, tỉnh Thanh Hóa tiếp thu ý kiến của các thành viên đoàn giám sát, làm rõ hơn các tồn tại, nguyên nhân, cùng những đề xuất của tỉnh và hoàn thiện báo cáo cung cấp cho đoàn giám sát trước ngày 15/4/2024".
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thanh Hóa. Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, báo cáo, phản ánh đầy đủ lên Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ quản lý Nhà nước về lĩnh vực này để có giải pháp hiệu quả, thiết thực.
Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và đất nước nói chung.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận