Ngày 17/5, tại lễ trao quyết định thành lập Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại Quảng Ninh và lễ phát động đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Hiện nay nguồn tạng từ người cho chết não tại Việt Nam rất thấp. Tỷ lệ đăng ký hiến tạng trong nhân dân và ghép tạng từ người chết não thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Có hàng chục nghìn người bệnh đang mòn mỏi, lay lắt chờ tạng để ghép. Trong khi nhiều người chết não vì TNGT hay các bệnh lý khác nhưng chưa hiến tạng, rất lãng phí. Thay vì vùi nguồn sống vào lòng đất hay thiêu cháy thì chúng ta dùng nó để cứu người... Nguồn tạng hiến là niềm hy vọng và cứu cánh cuối cùng của người bệnh để cho sự sống hồi sinh. Điều ấy còn có ý nghĩa đối với gia đình người hiến tạng khi nghe tiếng đập của con tim hay ánh mắt của người thân của mình còn để lại.
Theo bà Tiến, để có thêm người được ghép tạng, cần có nguồn tạng hiến, cơ bản nhất phải là nhận thức trong cộng đồng, sau đó là đội ngũ vận động phải là những người có chuyên môn, đào tạo về tâm lý... Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam kỳ vọng việc thành lập Chi hội Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại tỉnh Quảng Ninh sẽ là khởi đầu cho phong trào hiến tạng trên cả nước ngày càng phát triển.
Theo ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, hàng năm, tại Quảng Ninh có gần 1.000 bệnh nhân đang chạy thận, lọc máu chu kỳ, trong đó có khoảng 30% bệnh nhân suy thận giai đoạn 3, 4, 5 có chỉ định ghép thận, do vậy nguồn hiến tạng từ người chết não là cơ hội có ý nghĩa rất nhân văn, là sự mong mỏi của nhiều bệnh nhân. Chính vì vậy, ngoài những nỗ lực của ngành Y tế, để triển khai thành công kỹ thuật ghép tạng, không thể thiếu sự ủng hộ, đồng hành của người dân tỉnh Quảng Ninh trong việc hiến mô, tạng để ngành Y có một danh sách ý nghĩa, giúp bệnh nhân, giúp bác sỹ có thể cứu sống bệnh nhân trong lúc nguy cấp.
Ông Diện cho biết thêm, đêm 1/4 vừa qua, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận 1 bệnh nhân được chẩn đoán chết não và thật may mắn khi gia đình của bệnh nhân đã đồng ý hiến tạng cứu người. Sau khi nhận được tin, Sở Y tế đã báo cáo UBND tỉnh và phối hợp Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đồng thời khởi động quy trình báo động ngoại viện. Ngay trong ngày đã có gần 120 y bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tham gia vào các quy trình chuẩn bị, phẫu tích, bảo quản và vận chuyển tạng. Đây cũng là lần đầu tiên việc lấy tạng được thực hiện tại một bệnh viện tuyến tỉnh, từ đó chuyển tới nhiều trung tâm ghép tạng trong cả nước, xa nhất là tới Bệnh viện Trung ương Huế. Tạng của người chết não hiến đã cứu sống 7 người bệnh nặng.
Tại Việt Nam, sau ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992 tại Học viện Quân y, đến nay nước ta đã ghép tạng thành công cho hơn 8.000 trường hợp ở 25 trung tâm trên cả nước. Nước ta làm chủ nhiều kỹ thuật khó trong lĩnh vực ghép tạng như ghép thận – tụy, ghép tim – phổi, ghép ruột, vấn đề lớn nhất hiện nay là chúng ta đang khan hiếm nguồn tạng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận