Sáng 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết thành lập thị xã Việt Yên và các xã phường trực thuộc.
Sau khi thành lập, thị xã có 9 phường và 8 xã. Tòa án nhân dân (TAND) và Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) thị xã Việt Yên được thành lập trên cơ sở kế thừa TAND và VKSND huyện Việt Yên.
Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý nâng từ xã và thị trấn lên phường đối với 9 đơn vị hành chính thuộc thị xã Việt Yên gồm: Bích Động, Nếnh, Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn, Vân Trung, Quang Châu và Tự Lạn.
Như vậy Bắc Giang sẽ có một thành phố, một thị xã và 8 huyện. Trong đó thị xã Việt Yên nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh Bắc Giang, có các tuyến huyết mạch đi qua như cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, quốc lộ 17, quốc lộ 37, tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang và huyện Việt Yên đã tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ. Năm 2022, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ở Việt Yên chiếm 96,6% trong cơ cấu kinh tế.
Mức tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2022 là 20,6%; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 68,4 triệu đồng, gấp 1,22 lần cả nước.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, việc thành lập thị xã Việt Yên trên cơ sở huyện Việt Yên là cần thiết, đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế, quy hoạch xây dựng, kiến trúc và nguyện vọng của nhân dân địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, huyện Việt Yên đã đáp ứng đủ tiêu chí về diện tích, dân số và số đơn vị hành chính trực thuộc để lên thị xã. Huyện cũng đạt tiêu chuẩn về cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người, mức tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Ông Tùng đề nghị chính quyền tỉnh Bắc Giang kiểm soát tình trạng đầu cơ, đẩy giá đất ở các đơn vị hành chính đô thị mới được thành lập. Chính phủ chỉ đạo tỉnh Bắc Giang tập trung các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đô thị. Cơ quan địa phương cập nhật, điều chỉnh thông tin liên quan về địa chỉ nơi cư trú của người dân, tạo thuận lợi khi thay đổi giấy tờ có liên quan.
Cũng trong sáng 13/12, Thường vụ Quốc hội quyết nghị nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Sau khi sáp nhập, thị trấn Thiệu Hóa rộng hơn 17km2, dân số hơn 28.000 người. Thị trấn Hậu Hiền rộng hơn 10km2, hơn 12.000 người. Như vậy, tỉnh Thanh Hóa có 27 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 23 huyện, 2 thị xã và 2 thành phố.
Nghị quyết này có hiệu lực từ 1/2/2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận