Người dân kỳ vọng thành phố mới
Vào những ngày cuối năm 2023, chúng tôi có dịp trở lại Long Thành. Thông tin quy hoạch huyện Long Thành là thành phố sân bay, cửa ngõ quốc tế, trung tâm logistics hàng không khiến người dân ở đây ai cũng rất hào hứng.
Bà Nguyễn Phương Dung, trú thị trấn Long Thành cho biết, từ thời điểm sân bay Long Thành được khởi động, bộ mặt của địa phương thay đổi từng ngày. Nhiều dự án nhà ở hiện đại được xây dựng để đón đầu, người dân cũng mở rộng kinh doanh, các dịch cũng đa dạng hơn trước. Do đó, bà mong chờ Long Thành chuyển mình mạnh mẽ hơn để cuộc sống bước sang trang mới.
"Nhiều lần tôi đi sân bay Tân Sơn Nhất, thấy xung quanh sân bay đời sống người dân rất phát triển, hầu như nhà nào cũng có thể kinh doanh buôn bán. Nở rộ nhất là các dịch vụ ăn uống, lưu trú, thư giãn làm đẹp... Thật hứng khởi khi nghĩ đến một ngày Long Thành cũng sẽ như thế!", bà Dung chia sẻ.
Chạy theo đường tỉnh 769 đến xã Bình Sơn, đây là địa phương có nhiều người dân nhường đất xây dựng sân bay Long Thành. Tại đây, nhiều dự án biệt thự, nhà phố liền kề như: STC Long Thành, Gem Sky World, Century City… với cơ sở hạ tầng hiện đại, đã và đang hoàn thiện.
Đặc biệt, khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn được mọi người ví như một khu đô thị thu nhỏ với rất nhiều tiện ích như điện, đường, trường, bệnh viện. Những tuyến đường rộng 6 làn xe thênh thang, mở ra hướng tương lai phát triển lâu dài. Nhiều nhà dân được xây dựng từ 2-3 tầng hoặc biệt thự, rất khang trang.
Ông Nguyễn Tư, một cư dân sinh sống tại đây cho biết, trước đây ông là dân xã Suối Trầu. Sau khi giải tỏa trắng để xây sân bay, gia đình ông về khu tái định cư sinh sống.
"Ở đây giống phố rồi, mong sớm hoàn tất các tiện ích, trường học nữa là ổn. Tôi thấy có thông tin quy hoạch thành phố sân bay, điều đó thật tốt, sẽ có nhiều cơ hội để người dân tiếp cận cuộc sống hiện đại, tăng cơ hội việc làm, nhất là người trẻ", ông Tư bày tỏ.
Từng bước hoàn thiện giao thông kết nối
Tỉnh Đồng Nai đang lấy ý kiến các chuyên gia về quy hoạch chung đô thị Long Thành đến năm 2045. Theo dự thảo quy hoạch này, Long Thành sẽ từng bước đi lên đô thị loại 3 từ năm 2025 và hình thành thị xã.
Sau năm 2030, Long Thành từng bước xây dựng để đi lên đô thị loại 2 với quy mô dân số trên 370.000 người. Đến năm 2045, Long Thành là một đô thị hiện đại với nửa triệu dân, được xây dựng trên quy mô 24.000ha.
Quy hoạch cũng nhấn mạnh đến việc sẽ xây dựng Long Thành là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế cấp tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, thành phố sân bay Long Thành sẽ là trung tâm thương mại - tài chính chất lượng cao; Trung tâm dịch vụ logistics, kho vận quốc tế cấp vùng và quốc gia; Đầu mối giao lưu quan trọng có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng tỉnh Đồng Nai và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Để chuẩn bị cho thành phố sân bay trong tương lai, tỉnh Đồng Nai đã và đang triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối, nhất là kết nối với TP.HCM, để xây dựng Long Thành như một đô thị vệ tinh của vùng TP.HCM.
Ngoài quốc lộ 51, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng đang được lên kế hoạch mở rộng. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành sẽ hoàn thành năm 2025. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai giao vốn để triển khai dự án nâng cấp khu hành chính huyện Long Thành; Xây dựng đường 25C đoạn từ quốc lộ 51 đến hương lộ 19 đoạn qua Long Thành - Nhơn Trạch; Đường Lò Gạch, đường Vũ Hồng Phô, nâng cấp đường tỉnh 769.
Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, mô hình thành phố sân bay gắn liền với những cảng hàng không quốc tế đã được các nước trên thế giới xây dựng và rất thành công như: Changi (Singapore), Incheon (Hàn Quốc), Sydney (Australia), Amsterdam (Hà Lan), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức).
Lợi thế của Long Thành là sẽ xây dựng một thành phố mới hoàn toàn, các khu vực đô thị cũ không nhiều, nên các quy hoạch sẽ được xây dựng bài bản, trong đó chú trọng đến phát triển đô thị theo hướng sinh thái, bền vững.
Cũng theo ông Lộc, sân bay Long Thành có vị trí rất thuận lợi, di chuyển về TP.HCM chỉ mất khoảng 40 phút. Sau này, có tuyến đường sắt Long Thành - Thủ Thiêm việc đi lại sẽ còn nhanh hơn.
Đặc biệt Long Thành là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy… có khả năng lưu thông vận tải hàng hóa cao và thuận tiện kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Một lợi thế khác là sân bay Long Thành nằm gần với hệ thống cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Vì thế, nếu quy hoạch xây dựng tốt cho khu vực phụ cận sân bay Long Thành sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn.
"Tương lai, sân bay Long Thành kết hợp với vùng phụ cận tạo thành một cực phát triển quan trọng không chỉ của vùng TP.HCM và tỉnh Đồng Nai mà còn trực tiếp thúc đẩy và lan tỏa sự phát triển ra các khu vực rộng lớn hơn như Bình Dương, Lâm Đồng, Vũng Tàu", ông Lộc nhấn mạnh.
Hứa hẹn thu hút mạnh đầu tư
Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, hiện nay ngành thương mại, dịch vụ của Đồng Nai chuyển biến chậm, chưa có cơ sở lưu trú, khách sạn, khu du lịch cao cấp nên nhiều cơ hội tổ chức các sự kiện lớn còn bị hạn chế.
"Sân bay Long Thành đang trở thành "thỏi nam châm" thu hút các nhà đầu tư lớn về với Đồng Nai. Để giúp Đồng Nai có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, trở thành trung tâm logistics… địa phương sẽ tập trung phát triển công nghiệp hiện đại cùng với chuyển dịch cơ cấu phát triển thương mại dịch vụ", ông Nguyên nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận