Thời sự

Thanh tra 6 vụ việc từ tin báo đường dây nóng chống tham nhũng

09/01/2016, 07:52

Trong 329 nguồn tin, có hơn 40 nguồn tin cơ sở phản ánh các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng...

13
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt tại buổi họp báo

Đó là những con số thể hiện kết quả ban đầu của việc tiếp nhận thông tin phản ánh về tham nhũng qua đường dây nóng, được Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt cho biết tại buổi họp báo về Công tác thanh tra quý IV/2015, tổ chức sáng 7/1.

Chưa đầy tháng, nhận 329 nguồn tin

Tại buổi họp báo, trước những ý kiến băn khoăn về hiệu quả của đường dây nóng được Cục Chống tham nhũng triển khai trong gần một tháng qua, Cục trưởng Phạm Trọng Đạt cho biết, đến nay, sau 25 ngày triển khai, từ ba số điện thoại của đường dây nóng (một số điện thoại bàn của phòng Tổng hợp - Cục Chống tham nhũng và hai số điện thoại cá nhân của Cục trưởng) đã tiếp nhận 329 cuộc gọi và nhắn tin tố cáo tham nhũng của 27 địa phương trên toàn quốc và 12 bộ, ngành thuộc các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng…

“Tôi có thể hy sinh máy điện thoại cá nhân để nghe suốt ngày, suốt đêm cũng được. Chỉ hy vọng sau này có cơ chế làm sao để việc quản lý có hiệu quả nhất. Tôi mong Việt Nam sẽ xây dựng được một bộ phận chuyên môn nhận nguồn tin tố giác tham nhũng, xử lý chuyên sâu như mô hình của Singapore, Nga, Trung Quốc…”.

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt

Theo ông Đạt, các cuộc gọi chủ yếu phản ánh sai phạm, tham nhũng ở lĩnh vực đất đai khoáng sản, thuế, ngân hàng, tài chính, công tác cán bộ. Tiếp theo là liên quan tới cán bộ công quyền của Nhà nước trực tiếp giải quyết vụ việc liên quan tới người dân có dấu hiệu của mãi lộ, nhận hối lộ. Người dân cũng phản ánh nhiều việc chạy công ăn việc làm, việc thực hiện các dự án, chính sách xã hội ở các địa phương trên cả nước.

Cụ thể, trong 329 nguồn tin thì có 160 tin phản ánh sai phạm chức năng của các địa phương, bộ ngành; Khoảng 120 tin (chiếm 30%) phản ánh dấu hiệu sai phạm tiêu cực, tham nhũng, không thực hành tiết kiệm thuộc các ngành khác nhau ở địa phương và chúng tôi đã ghi nhận, xin cung cấp thêm tài liệu rồi trực tiếp trao đổi với các ngành, địa phương để giải quyết; Hơn 40 nguồn tin (chiếm khoảng 15%) cơ sở phản ánh các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực thuộc chức năng của Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) trực tiếp phải xử lý. Trong 40 nguồn tin này, có 6 nguồn tin Cục đang làm và có thể sẽ đề xuất với Tổng Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm.

Kê khai tài sản

Trước câu hỏi của báo giới về đề án cán bộ, lãnh đạo phải kê khai tài sản và phải công khai việc kê khai, Cục trưởng Phạm Trọng Đạt cho biết, hiện Chính phủ đã giao việc này cho Thanh tra Chính phủ thực hiện, nhưng đây là vấn đề khó, phải làm sao để hàng năm đánh giá được cán bộ các ngành, các địa phương thực hiện các chỉ thị của Đảng như thế nào. “Đây là việc khó nhưng chúng tôi sẽ quyết tâm làm bằng được”, ông Đạt kiên quyết.

Riêng về đề án kiểm soát thu nhập của cán bộ, lãnh đạo, ông Đạt cho rằng: “Tới đây, đối tượng kê khai tài sản nhất định phải tinh gọn lại, chứ giờ có hơn 1 triệu người kê khai thì nghe chừng không quản lý được, người ta nói hình thức cũng đúng. Đã kê khai thì phải công khai, mà đã công khai thì phải có xác minh và thẩm định tính chính xác và trung thực của nó, đây là vấn đề cần phải đưa vào luật mới giải quyết. Cả một năm trời chúng ta mới phát hiện được rất ít trường hợp kê khai không trung thực thôi, còn thực chất có đúng thế không? Tôi xin nói thật là không đúng thực tế nên giải pháp kê khai này chỉ là hình thức”.

Trước việc vừa qua T.Ư có đề nghị công khai việc kê khai tài sản ở nơi cư trú, ông Đạt kiến nghị xin Chính phủ cho tiếp tục nghiên cứu xem nếu công khai thì công khai thế nào, đối tượng ra sao, vào thời điểm nào thì phù hợp…, tránh để kẻ xấu lợi dụng làm phức tạp tình hình. 

Năm 2015, thanh tra phát hiện vi phạm gần 100 nghìn tỷ

Năm 2015, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 6.527 cuộc thanh tra hành chính và 243.661 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 97.423 tỷ đồng, 16.457 ha đất, kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 24.029 tỷ đồng và 6.714 ha đất; Xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 73.394 tỷ đồng, 9.743 ha đất; Kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.683 tập thể; Xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 11.460 tỷ đồng; Chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 67 vụ, 74 đối tượng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.