Triển khai 257 cuộc thanh tra, thu hồi hàng chục tỷ đồng
Hôm nay (23/11), Thanh tra Bộ GTVT kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam và 64 năm thành lập Ban Thanh tra của Bộ GTVT (tiền thân của Thanh tra Bộ GTVT ngày nay).
Ông Lâm Văn Hoàng, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, trong những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Bộ GTVT được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả các nguồn lực. Theo đó, Thanh tra Bộ GTVT đã triển khai thanh tra một số nội dung chưa từng được thực hiện trước đây và bước đầu thu được kết quả khả quan như: Thanh tra công tác quản lý vốn, tài sản ở các doanh nghiệp; công tác cổ phần hoá tại các doanh nghiệp; thanh tra công tác quản lý, thực hiện các dự án BOT...
Trong 5 năm qua, Thanh tra Bộ GTVT triển khai 257 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất. Trong đó, Thanh tra Bộ GTVT tiến hành 131 cuộc thanh tra hành chính. Qua thanh tra, kiểm tra đã yêu cầu thu hồi nộp ngân sách Nhà nước qua tài khoản Thanh tra Bộ số tiền hơn 64 tỷ đồng; yêu cầu nộp ngân sách Nhà nước địa phương trên 6,7 tỷ đồng; yêu cầu giảm trừ giá trị so với hợp đồng BOT số tiền trên 2.825 tỷ đồng; yêu cầu xử lý kinh tế khác trên 1.457 tỷ đồng; kiến nghị chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Đồng thời, Thanh tra Bộ GTVT chủ trì triển khai 126 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành kiến nghị sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền trên 10,46 tỷ đồng và xử lý kinh tế khác trên 11,12 tỷ đồng; kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực chuyên ngành,...
Cũng trong 5 năm qua, Thanh tra Bộ GTVT đã rà soát, lập hồ sơ theo dõi tổng số 296 kết luận thanh tra, trong đó có 93 kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành khác; 203 kết luận thanh tra do Bộ GTVT ban hành; ban hành 208 văn bản đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra; triển khai thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra do Thanh tra Chính phủ, Bộ GTVT ban hành; đôn đốc thu hồi nộp ngân sách qua tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ GTVT với số tiền hơn 85,6 tỷ đồng,...
Tiếp tục đổi mới, thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm
Ông Lâm Văn Hoàng cho biết, thời gian tới cùng với việc hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là thời kỳ cách mạng công nghệ thông tin 4.0, công tác quản lý nhà nước ngành GTVT nói chung và hoạt động thanh tra GTVT nói riêng đặt ra những yêu cầu mới cao hơn. Đây là thời cơ, vận hội nhưng cũng là khó khăn và thách thức đang cần sức sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết của lực lượng thanh tra Bộ GTVT.
Tới đây, Thanh tra Bộ GTVT mở rộng phạm vi, nội dung thanh tra bao trùm toàn bộ các lĩnh vực quản lý của Bộ GTVT, tăng cường tính phòng ngừa đặc biệt là những lĩnh vực còn thiếu, còn bất cập trong thể chế, chính sách quản lý của Nhà nước dễ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
Theo đó, Thanh tra Bộ GTVT cần phải đánh giá đầy đủ, toàn diện, sâu sắc hơn bối cảnh hiện nay để có quyết tâm cao, phát huy ưu điểm, kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém; phấn đấu phát huy hơn nữa vai trò của thanh tra, không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả trong hoạt động thanh tra, làm cho hoạt động thanh tra thực sự đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước, là một trong những cơ chế hữu hiệu trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, ông Hoàng cho biết, Thanh tra Bộ GTVT sẽ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Xây dựng lực lượng liêm chính, chuyên nghiệp, kỷ cương; Tăng cường vai trò của Thanh tra Bộ trong công tác quản lý nhà nước về Thanh tra; Tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn, để tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Đồng thời, Thanh tra Bộ GTVT sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thanh tra, bảo đảm kết luận thanh tra chính xác, khách quan, kịp thời, khả thi và đúng pháp luật. Trong đó, chú trọng công tác rà soát, phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cấp có thẩm quyền kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước.
Lực lượng thanh tra không ngừng lớn mạnh
Trước đó, ôn lại truyền thống, ông Lâm Văn Hoàng cho biết, cách đây 75 năm, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 64 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt với nhiệm vụ thường xuyên nghiên cứu và giải quyết các đơn, thư khiếu nại và phản ánh của các tầng lớp nhân dân từ khắp các địa phương gửi lên Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1955-1975), công tác thanh tra bám sát những nhiệm vụ cấp thiết, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo của Ðảng và Chính phủ trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc, chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.
“Sau giai đoạn có nhiều biến động từ tháng 6/1956 đến năm 1961 khi Bộ Giao thông và Bưu điện được tổ chức lại, ngày 26/5/1961, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện đã ban hành Quyết định 433 ngày 26/5/1961 về tổ chức bộ máy Bộ Giao thông vận tải trong đó thành lập lại Ban Thanh tra Bộ Giao thông và Bưu điện, tiền thân của Thanh tra Bộ GTVT ngày nay”, ông Hoàng nói.
Theo ông Hoàng, Ban Thanh tra Bộ lúc này có nhiệm vụ “giúp lãnh đạo Bộ tiến hành công tác kiểm tra, tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Chính phủ và các chủ trương chính sách của ngành”, nhân sự Ban Thanh tra có 5 người chính thức. Cuối năm 1961, lãnh đạo Bộ điều động bổ sung thêm 14 cán bộ công tác trong 3 tháng và 1 cán bộ hỗ trợ trong 6 tháng.
Trải qua hơn 64 năm xây dựng và phát triển, đến nay, lực lượng Thanh tra Bộ GTVT ngày càng lớn mạnh với tổng số cán bộ công chức lên tới 35 người, gồm: Chánh Thanh tra, 2 Phó Chánh thanh tra và 5 phòng chuyên môn. Lực lượng Thanh tra Bộ GTVT đã có mặt ở tất cả các lĩnh vực quản lý chuyên ngành đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không thuộc Bộ GTVT quản lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận