Các dự án nguồn điện và lưới điện chậm hàng năm
Kết luận thanh tra về cung ứng điện của Bộ Công thương cho rằng: Việc thực hiện dự án nguồn điện và lưới điện không đảm bảo tiến độ (theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã duyệt) thuộc trách nhiệm của EVN, các Ban Quản lý dự án điện 1, 2, 3, EVNNPT, GENCO3 và 5 Tổng công ty Điện lực trực thuộc EVN.
Đơn cử, với Dự án nhiệt điện Quảng Trạch I, theo hợp đồng EPC, công suất tinh của mỗi tổ máy là 654,7MW (tương ứng với công suất thô của tổ máy là 701,5 MW, toàn nhà máy 1.403 MW), thời gian hoàn thành để bàn giao dự án vào năm 2025. Tuy nhiên, tính đến thời điểm thanh tra, dự án này đã chậm tiến độ 3 năm.
Với dự án nhà máy thủy điện (NMTĐ) Ialy mở rộng, công suất 360 MW, gồm 2 tổ máy. EVN đã quyết định đầu tư dự án tại Quyết định số 384/QĐ-EVN ngày 27/9/2019. Trong đó, tiến độ phát điện tổ máy số 1 là quý II/2024 và tổ máy 2 là quý III/2024.
Nhiều tổ máy nhiệt điện chậm huy động.
Dự án đã khởi công tháng 6/2021, nhưng theo tính toán, dự án này sẽ chậm tiến độ khoảng 45 tháng so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, chậm khoảng 12-24 tháng so với chủ trương đầu tư được phê duyệt.
Còn dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng có công suất 360MW, dự kiến cũng sẽ chậm tiến độ khoảng 45 tháng so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, chậm khoảng 12-24 tháng so với chủ trương đầu tư được phê duyệt.
Dự án Ô Môn III, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự án dự kiến đưa vào vận hành năm 2020. Nhưng đến nay chỉ mới dừng ở mức chuẩn bị các bước đầu tư. Đoàn thanh tra chỉ ra lý do nằm ngoài khả năng kiểm soát của EVN, đó là tiến độ cấp khí cho các dự án nhà máy nhiệt điện trong Trung tâm Điện lực Ô Môn bị chậm tiến độ so với kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tương tự, với dự án Ô Môn IV, EVN đã hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để thực hiện dự án. Tuy nhiên, do tiến độ cấp khí của mỏ khí Lô B bị chậm tiến độ nên dự án bị chậm tiến độ theo Quy hoạch VII điều chỉnh và Quyết định phê duyệt kế hoạch khai thác mỏ khí Lô B của Thủ tướng Chính phủ (mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã nhận đầu tư dự án nhiệt điện Ô Môn III và Ô Môn IV từ EVN - PV).
Với Dự án Dung Quất I và Dự án Dung Quất III, EVN đã hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để thực hiện dự án. Tuy nhiên, kết luận thanh tra cho rằng: Do chưa xác định tiến độ của mỏ khí Cá Voi Xanh nên EVN chưa thể phê duyệt dự án đầu tư và triển khai các bước tiếp theo.
Dự án NMTĐ Trị An mở rộng, đến thời điểm thanh tra, dự án chưa được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) phê duyệt nên EVN chưa có cơ sở để triển khai đầu tư theo quy định. Dự án chậm tiến độ khoảng một năm so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Chậm tiến độ đường dây và trạm biến áp
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra, một số dự án truyền tải 500-220 kV do EVN trực tiếp đầu tư, thông qua các Ban Quản lý dự án điện 1, 2, 3 bị chậm tiến độ.
Như là, dự án đường dây 220kV Nậm Mô (Lào) - Tương Dương (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam); dự án Trạm cắt 220kV Bờ Y và các đường dây 220kV đấu nối cụm NMTĐ NamKong 1, 2, 3 (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam;
Dự án Trạm cắt 220kV Đăk Oóc và các đường dây 220kV đấu nối cụm NMTĐ Nam Emoun (Lào) vào Hệ thống điện Việt Nam; dự án Mở rộng Trạm biến áp 220kV Phước Thái; dự án Trạm biến áp 220kV Vĩnh Hảo và đường dây 220kV nhánh rẽ đấu nối.
Nguồn điện tái tạo tăng khiến sự cố đường dây tăng cao.
Nhiều dự án, công trình truyền tải (220-500kV) do EVNNPT đầu tư cũng chậm tiến độ, trong đó có: Đường dây 500 kV mạch 3; các công trình lưới điện phục vụ nhập khẩu điện từ Lào; các công trình phục vụ giải tỏa công suất thủy điện phía Bắc; phục vụ giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo; các dự án Đường dây 220 kV: Nghĩa Lộ - Trạm 500 kV Việt Trì, Huội Quảng - Nghĩa Lộ, Nha Trang - Tháp Chàm…
“Việc thực hiện đầu tư của EVN và EVNNPT chưa đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được duyệt. Việc chậm tiến độ các dự án lưới điện truyền tải (đường dây và trạm biến áp) làm giảm độ an toàn, tin cậy và khả năng cung cấp điện hiện tại cũng như các năm giai đoạn 2023-2025”, theo kết luận.
Quá tải đường dây tăng cao
Năm 2022, số đường dây 500kV, 220kV vận hành đầy, quá tải tăng 134 đường dây, do các nhà máy điện năng lượng tái tạo được đưa vào vận hành nhiều khu vực miền Trung.
Năm 2023, các đường dây vẫn còn vận hành đầy và quá tải nhưng số lần xuất hiện ít hơn so với năm 2022. Nhưng số máy biến áp (MBA) đầy tải tăng hơn so với năm 2022.
Theo kết luận thanh tra, các đường dây và MBA đang vận hành đầy tải, quá tải chưa cải thiện được tình trạng mang tải nếu các dự án đầu tư xây dựng liên quan hỗ trợ giảm tải chưa được đưa vào vận hành đúng tiến độ.
Trong khi đó, vướng mắc lớn nhất hiện nay gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án đầu tư xây dựng đường dây là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Bộ Công thương lưu ý: “Với vướng mắc này, khả năng trong các năm tới lưới điện truyền tải tiếp tục phải vận hành đầy và quá tải tại các khu vực trung tâm phụ tải (các thành phố lớn, các tỉnh tập trung các khu công nghiệp, giải tỏa công suất năng lượng tái tạo…)”.
Nhiều tổ máy nhiệt điện chậm huy động
Kết luận cũng đánh giá, việc khởi động tổ máy S3 NMNĐ Duyên Hải 3 mở rộng bị chậm. Thời gian từ khi khởi động đến hòa lưới của tổ máy S3 Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng kéo dài hơn 7 ngày, dẫn đến phải huy động bổ sung sản lượng điện của các nguồn thủy điện gây giảm mực nước và các nguồn nhiệt điện chạy dầu.
Ngoài ra, với nhiệt điện BOT Duyên Hải 2, kết luận thanh tra cho biết: A0 đã kiến nghị EVN về việc huy động NMNĐ BOT Duyên Hải 2. Nhưng thực tế tại thời điểm A0 kiến nghị, NMNĐ BOT Duyên Hải 2 chưa được huy động. Sau đó, A0 không tiếp tục kiến nghị EVN bằng văn bản về việc huy động NMNĐ Duyên Hải 2 để giữ mực nước thượng lưu các hồ thủy điện trong mùa khô theo quy định của các quy trình vận hành liên hồ chứa, hồ chứa thủy điện.
“Việc huy động NMNĐ BOT Duyên Hải 2 là chậm trễ so với tình huống cấp bách của hệ thống điện”, kết luận thanh tra đánh giá.
Theo kết luận thanh tra, các tổng công ty điện lực đã chỉ đạo xuyên suốt các đơn vị bên dưới phải có thông báo (bằng các hình thức như gửi văn bản, điện thoại, tin nhắn (SMS), Zalo, phát trên loa truyền thanh tại phường, các phương tiện thông tin đại chúng) trong mọi trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện (khẩn cấp, không khẩn cấp).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận