Nhập thiếu, dự trữ thiếu
Thanh tra Bộ Công thương vừa có kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của 11 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ở phía Nam.
Kết luận thanh tra chỉ ra loạt tồn tại, hạn chế, thiếu sót, vi phạm của các thương nhân đầu mối trong quá trình hoạt động kinh doanh xăng dầu và các đơn vị liên quan.
Đó là việc một số thương nhân đầu mối báo cáo về kho chứa xăng dầu chưa đúng với thực tế. Cá biệt trong giai đoạn ngắn, có thương nhân thuê kho với sức chứa chưa đáp ứng theo quy định.
Tình trạng xếp hàng dài, chờ hàng tiếng đồng hồ mới mua được xăng, hay việc nhiều cây xăng đóng cửa nghỉ bán... là diễn biến nóng của thị trường xăng dầu thời gian qua
Bên cạnh đó, còn có việc một số thương nhân “không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định” của Nghị định 83 và Nghị định 95 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83).
Cụ thể, vi phạm về các quy định như: Hệ thống phân phối xăng dầu phải có tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu (ĐLKDXD) hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu (TNNQ); việc phải báo cáo tăng, giảm số lượng đại lý, TNNQ khi có điều chỉnh; việc vẫn bán hàng khi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết giá trị; và việc cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của các Công ty con, Công ty có vốn góp thuộc đồng sở hữu của một số thương nhân đầu mối chưa rõ ràng, chưa có căn cứ pháp lý, chưa có đủ cơ sở để nhận xét, đánh giá về việc đồng sở hữu…
Các thương nhân đầu mối bị thanh tra gồm: Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng, Công ty TNHH MTV dầu khí TP. HCM, Công ty cổ phần Tập đoàn Dương Đông, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Phúc, Công ty xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Tổng công ty xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu, Công ty cổ phần Thương mại đầu tư khí Nam Sông Hậu, Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng tháp.
Về việc mua xăng dầu trong nước, theo kết luận thanh tra, có xảy ra trường hợp “các thương nhân phân phối bán xăng dầu cho thương nhân đầu mối”.
Điều này chưa thực hiện đúng quy định về quyền và nghĩa vụ của các thương nhân, nhưng hiện chưa có quy định về chế tài xử lý.
Còn về việc nhập khẩu xăng dầu, có trường hợp thương nhân đầu mối không hoạt động nhập khẩu trong quý I và quý II năm 2021.
Ở tình huống này, đoàn thanh tra cho biết, theo quy định “Bộ Công thương có thẩm quyền thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu”.
Ngoài ra, cũng có một số thương nhân đầu mối không nhập khẩu xăng hoặc nhập khẩu xăng dầu ít hơn mức tối thiểu do Bộ Công thương phân giao và có xảy ra việc một đơn vị ký hợp đồng làm đại lý cho nhiều thương nhân đầu mối...
Kết luận thanh tra cũng cho biết, phần lớn các thương nhân đầu mối bán xăng dầu cho các thương nhân phân phối với sản lượng thấp hơn nhiều so với mức bình quân 1 tháng năm 2021.
Một điểm đáng lưu ý nữa cũng được nêu ra, là việc dự trữ xăng dầu tại một số thương nhân đầu mối chưa đáp ứng về mức dự trữ tối thiểu bắt buộc 15 ngày. Đó cũng là vấn đề của dự trữ quốc gia.
Hiện có 2 thương nhân đầu mối làm nhiệm vụ dự trữ quốc gia mặt hàng xăng dầu. Báo cáo cho thấy, có một thương nhân có tồn kho xăng dầu tại một số thời điểm thấp hơn mức quy định, chưa đảm bảo mức dự trữ quốc gia tại kho tuyến sau, nhưng lượng tổng tồn sổ sách tại cùng thời điểm của các kho Công ty đều cao hơn mức dự trữ quy định....
Loạt tồn tại, hạn chế, thiếu sót, vi phạm của các thương nhân đầu mối được nêu ở trên cũng là vấn đề được nhiều nhà chuyên môn nhận định đã gây nên diễn biến đứt nguồn cung cục bộ diễn ra thời gian qua.
Cơ quan quản lý buông lỏng?
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ các tồn tại, hạn chế, thiếu sót, vi phạm của cơ quan chức năng có liên quan.
Theo đơn vị thanh tra, tại các báo cáo của các thương nhân đầu mối gửi về hàng năm đã thể hiện có hành vi vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu, việc duy trì hệ thống phân phối theo quy định.
Tuy nhiên, một số Vụ, Cục thuộc Bộ Công thương với vai trò là cơ quan quản lý đã chưa kịp thời kiểm tra, đối chiếu, rà soát các báo cáo này; chậm trễ trong việc phát hiện các hành vi vi phạm hành chính và kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các hình phạt theo quy định.
“Qua công tác kiểm tra hồ sơ cấp phép, kiểm tra thực tế tại đơn vị trước khi cấp phép của một số thương nhân đầu mối, Đoàn kiểm tra do Vụ Thị trường trong nước chủ trì đã phát hiện hành vi vi phạm hành chính, việc chưa đáp ứng điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu nhưng không chuyển hồ sơ và kiến nghị người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật”, kết luận nêu rõ.
Qua kết quả thanh tra, đơn vị thực hiện thanh tra cho rằng, một số Vụ, Cục thuộc Bộ Công thương với vai trò cơ quan tham mưu đã chưa tham mưu đầy đủ với Lãnh đạo Bộ, để thực hiện chức năng hướng dẫn thực hiện hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu; kiểm tra, giám sát thương nhân tuân thủ các điều kiện và các quy định tại Nghị định số 83.
“Đây là một phần nguyên nhân dẫn đến việc các Sở Công thương, thương nhân kinh doanh xăng dầu tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, thống nhất", theo kết luận thanh tra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận