Bất động sản

Thanh tra diện rộng về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư

04/11/2021, 17:14

Đó là một trong những nội dung Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị thực hiện trong năm tới.

Tranh chấp quỹ bảo trì làm "xấu xí" bộ mặt đô thị

Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, đơn vị này sẽ kiến nghị tổ chức thực hiện hoặc chỉ đạo, hướng dẫn Thanh tra Sở Xây dựng thực hiện thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn tỉnh, thành phố. Phạm vi thanh tra theo đề xuất dự kiến diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

img

Cư dân Athena Xuân Phương căng băng rôn đòi quỹ bảo trì trước đó, hiện đang tiếp tục đòi sổ đỏ

Cũng theo đơn vị này, năm 2021, công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư cũng là một trong những vấn đề được Thanh tra Bộ Xây dựng đẩy mạnh với 18 kết luận thanh tra được ký ban hành.

Qua thanh tra buộc 12/18 chủ đầu tư phải thực hiện gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán số liệu để chuyển sang ngay trong vòng 10 ngày cho ban quản trị nhà chung cư, tổng số kinh phí bảo trì là hơn 344,96 tỷ đồng. Đồng thời buộc chủ đầu tư trả lại trong thời hạn 20 ngày với diện tích 2.080 m2 lấn chiếm phần sở hữu, sử dụng chung về cho cư dân.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, qua các kết luận thanh tra và giải quyết, xử lý rất nhiều đơn thư về phí bảo trì dẫn đến tình trạng tranh chấp, đơn thư khiếu nại gay gắt, kéo dài, căng băng rôn, biểu ngữ làm "xấu xí" bộ mặt nhiều chung cư tại các đô thị lớn.

Chủ đầu tư ra điều kiện "chiếm dụng" quỹ bảo trì

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, chung cư New Horizon City - 87 Lĩnh Nam (Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty CP Xây dựng và Kỹ thuật Việt Nam (Vinaenco) đã bàn giao, đưa vào sử dụng từ năm 2017, nhưng đến nay (4 năm), cư dân khu đô thị này vẫn "chầy chật" đi đòi quỹ bảo trì chung cư.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản về tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư.

Theo đó, UBND TP giao Sở Xây dựng thanh tra chuyên ngành về nhà ở trên địa bàn thành phố, trong đó tăng cường thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì các nhà chung cư. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tội phạm về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì thì chuyển cơ quan điều tra theo quy định.

UBND TP cũng giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì theo quy định...

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện ban quản trị chung cư cho biết, quỹ bảo trì của chung cư New Horizon City tổng hơn 48 tỷ cả gốc cả lãi. Hiện tại chủ đầu tư mới chỉ chuyển trả 43 tỷ, còn thiếu 5 tỷ. Chủ đầu tư ra điều kiện ký một số giấy tờ, trừ đi 3 tỷ mới trả thêm 2 tỷ. Khi ban quản trị không đồng ý thì chủ đầu tư chưa trả.

Cũng theo vị này, đây là "chiêu trò" của nhiều chủ đầu tư để "biển thủ" quỹ bảo trì chung cư. Các chủ đầu tư trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM thường chỉ bàn giao một phần rất ít quỹ bảo trì, phần còn lại thì đặt ra yêu cầu đối với ban quản trị. Khi các yêu cầu đó của chủ đầu tư không được đáp ứng thì ngẫu nhiên nó trở thành việc tranh chấp, chủ đầu tư sẽ sở hữu khoản tiền còn lại.

Để làm rõ thông tin trên, PV đã liên hệ với PGĐ phụ trách của Vinaenco nhưng vị này báo bận họp, không trả lời, cũng không nhắn tin phản hồi.

Trước đó, cũng xảy ra nhiều vụ tranh chấp liên quan đến quỹ bảo trì như: Chung cư Hòa Bình Green City. Việc "chây ì" trả quỹ bảo trì của chủ đầu tư, công ty TNHH Hòa Bình buộc TP Hà Nội đã có quyết định ủy quyền cho UBND quận Hai Bà Trưng cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư Hòa Bình Green City. Tương tự tại chung cư Athena Xuân Phương khi UBND quận Nam Từ Liêm phải ban hành văn bản yêu cầu Chủ đầu tư là Công ty TNHH phát triển đô thị và xây dựng 379 (gọi tắt là Công ty 379) bàn giao quỹ bảo trì.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay, trên địa bàn thành phố hiện có 153 chung cư "chây ì" bàn giao quỹ bảo trì.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.