Thanh tra chuyên ngành đường thủy có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, kiểm tra và ngăn chặn vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa |
Ngày 15/1, tại Hải Phòng, phát biểu chỉ đạo Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc triển khai nhiệm vụ năm 2016, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Hoàng Hồng Giang nhận xét lực lượng thanh tra chuyên ngành đường thủy (trực thuộc các Chi cục Đường thủy) tuy năm 2015 đã tích cực hơn nhưng vẫn chưa làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình.
“Thanh tra là người nắm luồng tuyến, biết được trên các tuyến đường thủy còn nhiều bất cập, vi phạm Luật GTĐT nội địa nhưng chưa làm được việc của mình, chưa đề xuất giải pháp để đưa vào văn bản quy phạm pháp luật, xử phạt vi phạm cũng rất kém. Thanh tra chuyên ngành đường thủy tại sao làm không tốt bằng lực lượng thanh tra của Sở GTVT?”, ông Giang đặt vấn đề.
Ông Giang nêu một dẫn chứng là năm 2015, các đội thanh tra tại phía Bắc kiểm tra hơn 3.100 đối tượng (tăng 245% so với năm 2014) nhưng chỉ lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 57 đối tượng. Có đội thanh tra có 8 người, nhưng cả năm chỉ phát hiện, xử lý được vài trường hợp vi phạm, trong khi tại địa bàn của đội này vi phạm Luật Giao thông đường thủy diễn biến khá phức tạp.
Do đó, Cục trưởng Đường thủy nội địa VN yêu cầu năm 2016 Chi cục và lực lượng thanh tra phải có cách làm mới để nâng hiệu quả các mặt công tác, thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Để khắc phục khó khăn về biên chế, phương tiện, kinh phí, cần tổ chức mô hình, cách thức hoạt động phù hợp hơn, tạo mạng lưới cộng tác viên.
Các đội thanh tra phải lập kế hoạch thanh tra, mục tiêu, chỉ tiêu tương ứng với tình hình thực tế tại khu vực được giao phụ trách, trên cơ sở đó Cục sẽ bố trí kinh phí, hỗ trợ thực hiện.
Cục trưởng Hoàng Hồng Giang cho rằng, các Chi cục Đường thủy là “cánh tay nối dài” của Cục nên phải chủ động liên kết với Sở GTVT, Ban ATGT các địa phương để nắm chắc tình hình trên cả các tuyến đường thủy quốc gia, địa phương để bảo đảm trật tự ATGT, để đề nghị Cục, Bộ GTVT có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GTVT đường thủy phù hợp với đặc thù từng địa phương.
“Chi cục phải xây dựng được dữ liệu chi tiết về hạ tầng đường thủy, để khi có yêu cầu thông tin đột xuất về đến bất cứ tuyến nào, từ bến đò ngang hay xuất hiện điểm khai thác cát trái phép, cũng phải báo cáo được ngay. Như thế khi có sự vụ xảy ra mới chủ động xử lý được”, ông Giang yêu cầu.
Theo ông Nguyễn Công Minh, Trưởng chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc, đơn vị được giao quản lý 64 tuyến đường thủy quốc gia, với tổng chiều dài 2.716 km. Năm 2015, Chi cục đã bước đầu củng cố được năng lực của lực lượng thanh tra từ áp dụng đề tài “Nâng cao năng lực hoạt động của các Đội Thanh tra - An toàn thuộc Chi cục” được công nhận là sáng kiến cấp cơ sở. Năm 2016 này, Chi cục quyết tâm tạo đột phá trong quản lý và hoạt động của lực lượng thanh tra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận