Nhiều nguy cơ bị thao túng, sa ngã?
Ngân hàng là một ngành kinh doanh đặc biệt, trong đó đặt ra những yêu cầu cực kỳ nghiêm ngặt, chuẩn mực về quản trị, hoạt động, an toàn… Với lĩnh vực đặc thù như vậy, vai trò, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng có gì đặc biệt?
Ngân hàng là lĩnh vực đặc thù, giống như hệ thống mạch máu tuần hoàn nuôi sống cơ thể. Nếu lĩnh vực này có vấn đề nào đó, nó ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.
Theo quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là đơn vị tương đương Tổng cục, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thực hiện chức năng tham mưu, giúp Thống đốc NHNN quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền, bảo hiểm tiền gửi; tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát ngân hàng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của NHNN; thực hiện phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật và phân công của Thống đốc NHNN...
Trên thực tế, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đóng vai trò đặc biệt trong hệ thống. Thanh tra, giám sát ngân hàng có thể theo dõi, giám sát, kiểm tra tất cả các lãnh đạo, quan chức, hay ngân hàng trong hệ thống. Có thể nói đây là cơ quan quan trọng nhất của NHNN.
Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam 5 bị can thuộc đoàn thanh tra liên ngành từng tiến hành thanh tra Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Trong đó, trưởng đoàn thanh tra, cũng là nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, NHNN bị cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cụ thể là báo cáo cơ quan có thẩm quyền không đúng sự thật, dẫn đến việc giám sát ngân hàng SCB không đầy đủ. Đây không phải lần đầu tiên Thanh tra giám sát ngân hàng không làm tròn nhiệm vụ. Trước đó, là vi phạm nghiêm trọng của tổ giám sát NHNN tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam khiến cựu Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình và 4 thành viên tổ giám sát bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng. Qua những vụ việc này, bài học rút ra là gì, thưa ông?
Đối với các cán bộ thanh tra giám sát, nhất là các thành viên ở Ban kiểm soát đặc biệt, do yếu tố đặc thù, nhiều khi họ còn phải ăn ở tại ngân hàng bị thanh tra. Không chỉ đòi hỏi về cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, họ còn phải giữ vững lập trường, tránh những cám dỗ tiền bạc, tiêu cực.
Đây là những cán bộ được lựa chọn kỹ càng và phải được kiểm tra thường xuyên để thấy được sự liêm chính. Bên cạnh đó, phải có đơn vị độc lập giám sát, theo dõi, kiểm tra lại hoạt động của cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng
Theo tôi, Thanh tra Chính phủ cần phải thanh tra NHNN để phát hiện những kẽ hở, những tồn tại, kịp thời ngăn chặn những vấn đề như đã xảy ra trong những năm gần đây.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng
Theo nhìn nhận của ông, quy định hiện hành của pháp luật đối với công tác Thanh tra giám sát ngân hàng theo ông đã đầy đủ chưa? Những sai phạm trong quá trình thanh tra giám sát Ngân hàng SCB hay trước đó là Ngân hàng Xây dựng có nguyên nhân nào từ kẽ hở pháp lý?
Tôi cho rằng, hành lang pháp lý đối với hoạt động của NHNN hay cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã đầy đủ, rõ ràng. Vấn đề ở đây là họ thực hiện như thế nào mà thôi.
Không giống như các lĩnh vực khác, ngành ngân hàng liên quan trực tiếp đến tiền bạc, nên cán bộ rất dễ bị sa ngã, bị thao túng. Để xảy ra vụ việc như của bà Đỗ Thị Nhàn vừa qua, hay trước đó là ông Đặng Thanh Bình và 4 đồng phạm, theo tôi là thiếu sót rất lớn của hệ thống NHNN.
Cơ quan Điều tra Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam 5 bị can thuộc đoàn thanh tra liên ngành đã từng tiến hành thanh tra Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Đoàn thanh tra này do Thanh tra giám sát NHNN chủ trì, trưởng đoàn là bà Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - NHNN.
Bà Nhàn bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cụ thể, sau khi thanh tra, đoàn thanh tra liên ngành đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền không trung thực dẫn đến việc giám sát Ngân hàng SCB không đầy đủ.
Vậy theo kinh nghiệm của ông, công tác tuyển chọn, quản lý cán bộ ngân hàng, đặc biệt là lực lượng thanh tra giám sát phải lưu ý những gì để cán bộ không bị thao túng, sa ngã, đảm bảo được chức trách, nhiệm vụ đặc biệt của mình?
Thứ nhất, các cán bộ thanh tra phải là những người có năng lực, có kinh nghiệm để có thể phát hiện những thiếu sót, sai phạm xảy ra ở ngân hàng mà họ thanh tra. Đặc biệt, với lực lượng chủ chốt, cán bộ nên từng trải qua cương vị lãnh đạo ngân hàng, từ đó họ nắm bắt được vấn đề, phát hiện được những tiêu cực nếu có.
Thứ hai, cán bộ thanh tra giám sát phải có đạo đức, gìn giữ được sự trong sạch, có lập trường tư tưởng vững vàng để từ chối được những cám dỗ. Đây là phẩm chất rất quan trọng!
Ngoài yêu cầu về năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức, NHNN phải có những bài "test" định kỳ, bộ trắc nghiệm để kiểm tra cán bộ. Việc kiểm tra này có thể tiến hành định kỳ 6 tháng một lần, hoặc ít nhất 1 năm một lần để biết rằng cán bộ của mình có giữ vững được bản lĩnh, có tuân thủ đầy đủ những yêu cầu của công tác ngân hàng hay không.
Cần có cơ quan độc lập giám sát
Từng làm việc nhiều năm ở nước ngoài, xin ông cho biết kinh nghiệm của Chính phủ hay Ngân hàng trung ương các nước trong việc tuyển chọn, quản lý cán bộ ngân hàng, đặc biệt là lực lượng Thanh tra giám sát ngân hàng?
Trước nay Việt Nam thanh tra mang tính chất tuân thủ, xem ngân hàng này có thực hiện đúng quy định hay không. Nhưng thanh tra ở các nước khác, chẳng hạn như Hoa Kỳ, họ thanh tra giám sát theo mô hình CAMELS.
Theo đó, họ nhìn tổng thể một ngân hàng từ vấn đề vốn cho đến chất lượng tài sản, quản trị, lợi nhuận, thanh khoản, sự nhạy cảm của thị trường với ngân hàng… Từ cái nhìn tổng thể đó, họ sẽ xếp hạng ngân hàng theo hệ thống tiêu chuẩn A, B, C, D...
Bà Đỗ Thị Nhàn, nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II – NHNN, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cùng 4 thành viên đoàn thanh tra vừa bị khởi tố, bắt giam vì tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ (Ảnh: Ngân hàng SCB)
Bên cạnh đó, theo tôi, ngành ngân hàng phải thực hiện nguyên tắc "bốn mắt". "Bốn mắt" ở đây là dù ở bất cứ việc gì cũng phải có 2 người kiểm tra, giám sát một vấn đề, một công việc. Trong những năm làm việc ở nước ngoài, tôi có may mắn được làm việc với những người Do Thái. Họ là những người rất thông minh.
Dù tươi cười khi đối diện hay làm việc với bạn, nhưng họ luôn đặt dấu hỏi: Liệu người đối diện có nói thật hay không? Họ áp dụng luôn cách nhìn đó vào việc tuyển dụng cán bộ. Họ rất chú trọng vào những nhận định, đánh giá đối tượng từ người thứ ba như cộng sự hay lãnh đạo từ nơi làm việc trước của bạn. Tôi cho rằng, đây cũng là thiếu sót trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam.
Việt Nam có Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia cũng có chức năng giám sát lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Theo ông ủy ban này đã phát huy hết năng lực, quyền hạn hay chưa?
Đây là cơ quan có quyền lực rất lớn, giám sát tất cả các hoạt động về tài chính, tiền tệ của quốc gia, nhưng không phải là ủy ban chuyên về thanh tra, giám sát. Vì không được giao phó những vấn đề cụ thể về thanh tra, giám sát, ủy ban này chưa phát huy hết vai trò, chức năng và quyền hạn của mình.
Với những đặc thù về lĩnh vực hoạt động như ngành ngân hàng, theo ông có cần bổ sung một cơ quan độc lập, có thể giám sát chéo đối với lực lượng Thanh tra giám sát ngân hàng? Nếu có một cơ quan như vậy, cách thức giám sát nên được thực hiện ra sao?
Theo tôi, Chính phủ cần lập ra một cơ quan độc lập để giám sát hoạt động của chính cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cũng như giám sát cả NHNN, bởi Thanh tra giám sát ngân hàng có quyền lực rất lớn. Nếu không có sự giám sát độc lập ngoài ngành ngân hàng, rất dễ xảy ra lạm quyền, hoặc những vụ việc tiếp theo như ở SCB, một khi Thanh tra giám sát ngân hàng bị mua chuộc.
Xin cảm ơn ông!
Cuối năm 2018, cựu Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình và 4 thuộc cấp đã bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên bản án phúc thẩm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình giám sát hoạt động của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam. Theo đó, sự buông lỏng trong quản lý của ông Đặng Thanh Bình - với tư cách Phó thống đốc phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN và tổ giám sát đặc biệt của NHNN tại Ngân hàng Xây dựng đã tạo điều kiện cho Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng gây thiệt hại hơn 15.000 tỷ đồng cho chính ngân hàng này. Ông Bình đã bị HĐXX tuyên phạt 3 năm tù cho hưởng án treo; các đồng phạm khác bị tuyên phạt từ 1 năm đến 2 năm 6 tháng tù.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận