Giàn khai thác dầu khí của Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ |
Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chọn ngày 27/11 hằng năm là Ngày Truyền thống của ngành Dầu khí Việt Nam.
Với vị trí và vai trò hết sức quan trọng của ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ở từng giai đoạn phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm và đề ra chiến lược phát triển ngành Dầu khí phù hợp.
Ngày 23/7/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 với trọng tâm là: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Trong đó, tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, cần phải được quan tâm chú trọng, cần phải tăng cường đầu tư phát triển không chỉ ở trong nước mà vươn ra nước ngoài.
Nghị quyết đã mở ra một vận hội mới cho sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, tạo động lực lớn cho ngành Dầu khí Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chính phủ, sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các đối tác và nhân dân cả nước, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam từ những bước đi ban đầu đầy gian khó nay đã lớn mạnh cùng đất nước; những người lao động dầu khí qua các thời kỳ với lòng say mê và khát vọng vươn lên đã lao động bền bỉ và sáng tạo không ngừng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chiến lược được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao; đã xây dựng được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát triển đồng bộ, hiện đại, giữ vị trí “đầu tàu” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có nhiều đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong suốt chặng đường 57 năm phát triển, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Theo đó, PVN đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp khí, điện và dịch vụ dầu khí; hoàn chỉnh hoạt động theo mô hình Tập đoàn, thực hiện thành công tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi.
Tập đoàn đã hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, luôn ở trong Top đầu những doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào ngân sách Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội. Tổng doanh thu đạt trên 374 tỉ USD, nộp ngân sách Nhà nước trên 105 tỉ USD.
PVN cũng trở thành tập đoàn tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế. Song song với việc đầu tư phát triển ở trong nước, Tập đoàn đã tích cực tìm kiếm, mở rộng đầu tư ra nước ngoài; nâng cao uy tín và thương hiệu Petrovietnam trên thị trường quốc tế; góp phần tích cực đưa hình ảnh đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Tập đoàn đã xây dựng được đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu, với số lượng lao động hiện có trên 60 nghìn người có trình độ cao, đủ khả năng làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước.
Phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là “đầu tàu” kinh tế của đất nước, PVN đã trở thành nòng cốt, là hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai - Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Vũng Áng - Hà Tĩnh...
Tập đoàn tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền và biên giới quốc gia trên biển. Nơi nào có hoạt động dầu khí, có giàn khoan đặt chân, ở đó chủ quyền quốc gia được khẳng định.
Tập đoàn luôn ý thức, trách nhiệm cao trong chia sẻ với cộng đồng, hàng năm đóng góp vào công tác an sinh xã hội trên 500 tỉ đồng.
Trước những đóng góp trên, PVN đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: 2 tập thể được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng; 2 tập thể được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; 3 giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ; 9 tập thể và 5 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động; 12 Huân chương Độc lập các hạng; 2 Huân chương Quân công; 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; nhiều đơn vị và cá nhân của Tập đoàn được tặng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen các loại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận