Chính trị

Thành viên Chính phủ có bắt buộc phải là Ủy viên Trung ương?

31/03/2021, 08:00

Để đề cao vai trò của người đứng đầu, thông thường việc lựa chọn các thành viên Chính phủ đều là những người trong số các Ủy viên Trung ương.

img

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu

Tại Kỳ họp 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIV đang diễn ra, có một nội dung rất quan trọng là kiện toàn một số chức danh lãnh đạo chủ chốt và tổ chức bộ máy Nhà nước.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết, việc này nhằm đảm bảo quyền lực Nhà nước là liên tục, không có đứt quãng, khoảng trống, không phải chờ đến sau khi Quốc hội khóa mới được bầu thì mới kiện toàn.

Tại kỳ họp lần này, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước, vậy quy trình này được thực hiện ra sao, thưa ông?

Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập Quốc hội, Thủ tướng đương nhiệm được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước. Chính vì vậy, quy trình bầu cũng được vận dụng một cách linh hoạt.

Bình thường, chúng ta sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước khóa cũ, sau đó bầu Chủ tịch nước khóa mới. Nhưng ở lần này, Chủ tịch nước lại là Thủ tướng Chính phủ, nên phương pháp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình ra Quốc hội là Chủ tịch nước sẽ miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ trước, sau đó Quốc hội tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch nước. Sau đó, Chủ tịch nước khóa mới giới thiệu nhân sự Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ khóa mới.

Còn chức danh Chủ tịch nước thì do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu để Quốc hội bầu.

Tôi tin rằng khi kiện toàn nhân sự cho bộ máy Nhà nước, những nhân sự mới được đào tạo, rèn luyện và trưởng thành ở nhiều lĩnh vực sẽ kế thừa, tiếp cận công việc ngay và chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới tốt hơn. Thế hệ sau bao giờ cũng tiếp nối kinh nghiệm và năng lực đổi mới tốt hơn, như thế đất nước mới phát triển.
Trưởng ban Công tác Đại biểu Trần Văn Túy


Đối với việc kiện toàn nhân sự bộ máy Chính phủ khóa mới, Quốc hội sẽ tiến hành các bước như thế nào?

Điều này được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ. Các thành viên Chính phủ thì phải do Thủ tướng Chính phủ giới thiệu để Quốc hội phê chuẩn.

Như vậy có thể thấy, vai trò của tân Thủ tướng trong việc lựa chọn nhân sự Chính phủ là rất quan trọng. Việc lựa chọn này căn cứ vào những quy định nào, thưa ông?

Vai trò của Thủ tướng trong việc lựa chọn nhân sự để xây dựng Chính phủ là hết sức quan trọng.

Người đứng đầu Chính phủ sẽ nắm rõ được những ai có sở trường, kinh nghiệm quản lý ở bộ, ngành nào, từ đó sẽ lựa chọn người phù hợp làm tư lệnh ngành đó.

Thành viên Chính phủ có tốt thì mới tạo ra nhiệm kỳ Chính phủ thành công, chính vì vậy người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng sẽ rất thận trọng và xem xét kỹ lưỡng khi lựa chọn các thành viên Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ căn cứ vào quá trình công tác, đạo đức tác phong, uy tín, phẩm chất năng lực từ đó đưa ra quyết định lựa chọn thành viên của mình.

Ngoài tiêu chuẩn cán bộ công chức ra thì các thành viên được lựa chọn còn do Luật Tổ chức Chính phủ quy định. Tất cả quy trình lựa chọn thành viên Chính phủ phải tuân thủ đúng quy trình bổ nhiệm cán bộ.


Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, có vai trò rất quan trọng trong việc điều hành nền hành chính quốc gia, quản lý điều hành kinh tế - xã hội của đất nước.

Tôi rất tin tưởng Thủ tướng mới sẽ chọn được những thành viên xứng đáng nhất, hội tụ năng lực, đạo đức tốt nhất để làm tư lệnh ngành, giúp cho Thủ tướng thực hiện thành công những mục tiêu ở nhiệm kỳ mới.
Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền


Thành viên Chính phủ có bắt buộc phải là Ủy viên Trung ương không, thưa ông? Và nhiệm kỳ lần này có xem xét trường hợp Bộ trưởng không phải là Ủy viên Trung ương như khóa trước?

Sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, có một số đồng chí không tham gia Trung ương nữa. Ở khóa trước, chúng ta cũng chứng kiến Quốc hội Khóa XIV phê chuẩn Bộ trưởng Bộ Y tế là người không phải Ủy viên Trung ương.

Luật không quy định thành viên Chính phủ phải là Ủy viên Trung ương. Nhưng để đề cao vai trò của người đứng đầu thì thông thường đều lựa chọn các thành viên trong số Ủy viên Trung ương.

Bởi đây là những người được Đảng, tổ chức tín nhiệm. Người đứng đầu một bộ, thủ lĩnh một ngành thì hơn ai hết người đó phải có uy tín trong lĩnh vực quản lý, được cán bộ nhân viên trong ngành tín nhiệm.

Theo quy trình thì Thủ tướng Chính phủ sẽ trình danh sách để Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Việc thảo luận về đề nghị phê chuẩn sẽ được Quốc hội tiến hành thế nào?

Khi Thủ tướng trình danh sách các thành viên Chính phủ để Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm, trước tiên các đại biểu sẽ thảo luận ở Đoàn. Tại đây, các đại biểu sẽ nghiên cứu về hồ sơ lý lịch, tiểu sử, bản kê khai tài sản, thông qua bằng các ý kiến.

Sau đó, các Đoàn tập hợp thành một ý kiến tổng hợp chung. Ủy ban Thường vụ sẽ tổng hợp và báo cáo Quốc hội về kết quả thảo luận ở Đoàn đối với từng thành viên.

Sau đó, gần 500 đại biểu Quốc hội sẽ xem xét một cách toàn diện, khách quan từng thành viên Chính phủ, trước khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn bổ nhiệm.

Tôi tin rằng với những quy trình chặt chẽ, thực hiện khách quan dân chủ như vậy thì chúng ta sẽ có đội ngũ thành viên Chính phủ ưu tú, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực điều hành công việc ở các bộ, ngành.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.