Thời sự

Tháo gỡ "điểm nghẽn" phát triển mạnh kinh tế biển ở Bình Thuận

22/09/2019, 14:55

Các tuyến QL28B, QL55 sớm được đầu tư nâng cấp cùng với các tuyến đường hành lang kết nối tạo đà phát triển kinh tế biển.

img
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chứng kiến lễ kí ghi nhớ đầu tư giữa lãnh đạo tỉnh Bình Thuận và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sáng 22/9, tại TP Phan Thiết đã diễn ra "Hội nghị xúc tiến tỉnh Bình Thuận năm 2020". Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận và một số tỉnh, thành phố phía Nam, Hiệp hội, Doanh nghiệp, Tập đoàn trong và ngoài nước đến tham dự.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng sau Hội nghị xúc tiến đầu tư 2017 tỉnh Bình Thuận đã thu hút nhiều dự án đầu tư phát huy được hiệu quả. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận trong những năm qua. Tuy nhiên tỉnh vẫn chưa khai thác hết tiềm năng trên lĩnh vực du lịch, công nghiệp, dịch vụ, điện gió, điện mặt trời.

Cũng theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tỉnh cần gắn kết giữa quy hoạch phát triển du lịch và phát triển đô thị biển, hạ tầng đô thị kết hợp du lịch. Quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp chiến lược đầu tư vào hạ tầng du lịch tạo bước đột phá, nhất là các dự án ven biển mà hạt nhân là tổ hợp du lịch thương mại bất động sản để tạo hành lang phát triển du lịch xứng tầm.

Quản lý cho thật tốt quy hoạch chuỗi đô thị ven biển theo mô hình sạch, xanh, đô thị văn minh cần cơ cấu tổ chức lại. Trong khi nguồn lực Nhà nước còn hạn chế tỉnh phải đẩy mạnh các nguồn xã hội hoá, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư hệ thống hạ tầng không chờ vào nguồn ngân sách Trung ương. Tăng cường đẩy mạnh khoa học công nghệ trong lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực thu hút các chuyên gia giỏi trong nước và nước ngoài.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần chống lợi ích nhóm trong việc phát triển kinh tế, xã hội, đất sạch phải đấu thầu, đấu giá, bồi thường hỗ trợ cho người dân đúng quy định tránh khiếu nại, tố cáo. Tỉnh cần khai thác các tiềm năng kinh tế biển về nắng, gió sớm trở thành trung tâm lớn về năng lượng của cả nước. Tập trung phát triển năng lượng tái tạo điện gió, mặt trời.

Đối với các kiến nghị của địa phương Phó thủ tướng ghi nhận và giải quyết các dự án trọng điểm tạo điều kiện cho địa phương, đối với các dự án còn nhiều vướng mắc cần phải có thời gian tháo gỡ. Đối với việc nâng cấp mở rộng các tuyến QL28B, QL55 trước mắt sẽ tập trung nâng cấp và sau đó sẽ xem xét bổ sung nguồn vốn để mở rộng.

“Hiện nay tỉnh Bình Thuận đã có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đường bộ cùng với tuyến đường sắt các tuyến đường ven biển. Sắp tới đây sẽ triển khai các tuyến cao tốc đi ngang qua, sân bay Phan Thiết sẽ được triển khai, tạo động lực cho các ngành kinh tế phát triển các thế mạnh về du lịch, nghỉ dưỡng, năng lượng.

Trước đó ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Sau Hội nghị xúc tiến 2017, tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả tích cực thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các dự án đầu tư được triển khai đã góp phần cải thiện đời sống tạo thêm việc làm cho người dân. Tăng trưởng GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.251 USD, tăng 13,75% so với năm 2017.

Trong 6 tháng đầu năm 2019 tiếp tục phát triển ổn định, đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm trước, GRDP tăng 8,46%,. Tổng thu từ khách du lịch đạt 12.864 tỷ đồng, tăng 18,98% so với năm 2017, cho thấy tốc độ tăng trưởng du lịch rất tốt. Bình Thuận đang hội tụ rất nhiều điều kiện để thu hút nguồn vốn đầu tư kinh doanh thuận lợi và thành công.

Đặc biệt là những bước đột phá về cơ sở hạ tầng như cảng quốc tế Vĩnh Tân đã đưa vào hoạt động. Thời gian tới có thêm các tuyến cao tốc được triển khai như: Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, sân bay Phan Thiết.

img
Một đoạn đường ven biển qua tỉnh Bình Thuận.

“Các dự án giao thông trọng điểm sau khi hoàn thành sẽ tạo bước đột phá trong hạ tầng và trở thành cửa ngõ giao thông kết nối khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ… góp phần cải thiện đáng kể hệ thống logistics, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp tạo động lực mới phát triển kinh tế xã hội. Với các thế mạnh chúng tôi hy vọng các nhà đầu tư đẩy mạnh đầu tư vào các dự án tỉnh đang mời gọi. Chúng tôi cam kết đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để các dự án được thực hiện đúng theo quyết định được phê duyệt”, ông Nguyễn Ngọc Hai khẳng định.

Ông Phan Lê Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng quốc tế Vĩnh Tân cho biết: Sau khi cảng Vĩnh Tân đi vào hoạt động đã đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tổng hợp trong khu vực nhưng hệ thống giao thông chưa thuận lợi. “Đây là cảng nước sâu rất quan trọng góp phần giảm giá thành các sản phẩm xuất nhập khẩu khu vực Nam Trung bộ. Để phát huy việc phát triển dịch vụ logistics cần sớm đầu tư mở rộng QL28B kết nối các tỉnh Tây Nguyên và QL55 để rút ngắn thời gian lưu thông đến các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu các tỉnh lân cận”, ông Hoàng đề xuất.

Trong chuyến công tác tại Bình Thuận, sáng 21/9, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác Chính phủ đã đến dự lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) và làm việc với tỉnh về các vấn đề phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.