ĐB Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại Quốc hội |
Theo đó, Ủy ban TVQH đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung cụ thể gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2011-2018; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014-2018; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011-2018.
Đồng tình với việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014-2018, song ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) đề nghị trong quá trình giám sát nếu được nên lồng ghép giám sát đất đai ở ba nơi chuẩn bị thông qua Luật Đặc khu từ quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho đến giao dịch đất. Ông Giang cũng cho rằng, Luật Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt cần thận trọng, cân nhắc và chưa nên thông qua tại kỳ này để kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đất tại ba khu đó, sau đó mới thông qua trong thời gian tới.
Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), cần giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014-2018; việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018.
Dẫn số liệu mỗi năm có hơn 2.000 trẻ bị bạo hành, xâm hại và xu hướng này ngày càng tăng, ĐB Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) đề xuất cần giám sát đối với nội dung bạo hành, xâm hại trẻ em. Cũng theo nữ ĐB này, thống kê của Bộ Công an cũng cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm đã có 682 vụ xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại tình dục chiếm 84%. Đáng nói, dù có 17 cơ quan phụ trách nhưng tình trạng xâm hại trẻ em vẫn diễn ra. “Do đó, Quốc hội cần bổ sung nội dung bạo hành trẻ em vào chương trình giám sát của năm 2019. Bởi, 14% dân số có độ tuổi dưới 15 tuổi, 20 năm sau trẻ em là nguồn lực quý giá cho đất nước và đây là lực lượng nòng cốt tương lai của đất nước trong thời kỳ dân số vàng cho nên cần được bảo vệ, tránh bị xâm hại”, bà Thảo nêu quan điểm.
ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cho rằng, thời gian qua, việc cháy nổ xuất hiện nhiều ở các khu chế xuất, chung cư và tình hình cháy nổ có chiều hướng gia tăng trong hai năm gần đây. Vì thế, cần đưa nội dung việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC vào chương trình giám sát năm 2019.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu, Quốc hội sẽ lựa chọn hai chuyên đề giám sát tối cao, hai chuyên đề còn lại sẽ giao Ủy ban TVQH giám sát và báo cáo Quốc hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận