Tối 19/11, tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM, Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam phối hợp với Thành ủy TP.HCM tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong do đại dịch Covid-19. Cùng thời điểm, tại TP. Thủ Đức và các quận, huyện cũng thắp nến tưởng niệm.
Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu
Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dự buổi tưởng niệm.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận định: Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát, TP.HCM là địa phương gánh chịu mất mát nhiều hơn cả. Dịch bệnh lây lan mạnh, cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 đồng bào, chiến sĩ. "Lễ tưởng niệm ngày hôm nay nhằm tưởng nhớ những người đã không may mất vì Covid-19, chia sẻ những nỗi đau, mất mát với những gia đình có người thân mất vì dịch bệnh", ông nói.
“Trong giờ phút thiêng liêng này, xin thắp nén tâm nhang, tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch bệnh”, ông Chiến bày tỏ.
Dâng hương tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19.
Tại buổi lễ, chia sẻ với PV Báo Giao thông, bà Nguyễn Thi Bé (57 tuổi, ngụ quận 8) cho biết, bà có con gái mất trong đợt dịch này. Chồng bà đã phải chiến đấu từng giờ, từng phút cùng với sự tận tình chữa trị của đội ngũ y bác sĩ để giành lại sự sống. Bà đến đây để chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ.
Tương tự, ông Trần Hùng (77 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) đã tới chùa Pháp Hoa, quận 3, TP.HCM - nơi làm lễ thả hoa đăng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ rất sớm.
"Tin tưởng, thực hiện nghiêm túc vào các giải pháp chống dịch của Chính phủ và các cơ quan nhà nước cho dù phải thay đổi ngày một ngày hai vì những diễn biến phức tạp khó lường của dịch bệnh", ông Hùng nói.
Tại Trung tâm hội nghị triển lãm tỉnh Bình Dương, đúng 20h, lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 cũng được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Bình Dương long trọng tổ chức.
Buổi lễ diễn ra trang nghiêm, xúc động
Cùng lúc này, tại chùa Hội An (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một) tổ chức lễ cầu siêu và thắp 2.600 ngọn nến tưởng niệm; tại nhà thờ Thánh Giuse (phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một) tổ chức lễ cầu nguyện và rung chuông tưởng niệm.
Lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong vì Covid-19 ở chùa Hội An
Các chùa, nhà thờ, cơ sở thờ tự của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh hưởng ứng tổ chức các hoạt động tưởng niệm với nghi thức truyền thống của mỗi tôn giáo; các gia đình trên toàn tỉnh sẽ tắt điện, thắp hương, thắp nến tưởng niệm.
Ban Tổ chức cũng cho biết, các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ tạm dừng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí trong thời điểm tổ chức lễ tưởng niệm; nhắn tin thông điệp của lễ tưởng niệm qua thuê bao di động của người dân toàn tỉnh…
Một phút mặc niệm
Tại các huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh (nơi có nhiều người dân tử vong vì dịch bệnh Covid-19) lựa chọn hình thức phù hợp để hưởng ứng lễ tưởng niệm; thăm hỏi, động viên thân nhân có người mắc Covid-19 tử vong…
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Bình Dương gửi đến các gia đình có người không may qua đời trong đại dịch Covid-19 lời chia buồn, tri ân sâu sắc nhất.
Bà Lương Thị Gái, vợ một cựu chiến binh tử vong vì Covid-19 xúc động chia sẻ
Bà Lương Thị Gái (54 tuổi) vợ cựu chiến binh Nguyễn Văn Sang, thành viên trong lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch ở khu phố Thạnh Hòa B, An Thạnh, Thuận An bị mắc Covid-19 và ông đã không qua khỏi. Bà xúc động nghẹn ngào: Đại dịch đã cướp đi những người cha, người mẹ của những đứa trẻ, các cháu mới chào đời đã phải mồ côi. Nỗi đau này không gì bù đắp được.
“Chồng tôi đã ra đi mãi mãi, tự đáy lòng tôi, tôi tự hào vì anh đã góp phần cho hình ảnh người lính bộ đội Cụ Hồ tiếp tục tỏa sáng, dù trên chiến trường nào. Tôi sẽ thay anh chăm sóc 2 con nên người để anh an tâm nơi cõi vĩnh hằng...”, bà Gái nói.
Bà cũng bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến chính quyền địa phương đã quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ gia đình bà trong lúc hoạn nạn.
Nỗi đau mất người thân không gì bù đắp được
Ông Nguyễn Văn Đẹp (71 tuổi, ngụ tại khu phố 5, thị trấn Tân Thành, TX Bắc Tân Uyên) cho biết, vợ ông tử vong vì đại dịch Covid-19 từ đầu tháng 8, lúc này các con của ông đều ở xa và không ai về nhà được.
“Bà nhà tôi bị mắc Covid, 7 ngày thì mất. Thi thể bà được lực lượng chức năng hỗ trợ đem đi hỏa thiêu. Tro cốt của bà tôi vẫn giữ, chờ Tết Thanh Minh sang năm sẽ cất. Tôi rất biết ơn chính quyền vì đã có những động viên, chia sẻ với gia đình tôi và nhiều gia đình có hoàn cảnh tương tự mất người thân ở thị trấn…”, ông Đẹp xúc động chia sẻ.
>>> Hình ảnh buổi Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 tại TP.HCM:
Taị Hội trường Thống Nhất, UBND TP.HCM tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã gây ra những mất mát vô cùng to lớn đối với cả thế giới. Trong đó, cướp đi sinh mạng hơn 23.000 người dân Việt Nam và ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần, sức khỏe của nhiều người.
Lễ tưởng niệm có mặt các thân nhân, gia đình đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Tại chùa Pháp Hoa (quận3, TP.HCM), chị Thanh Thảo tưởng niệm những người đã mất vì Covid-19.
Đốt đuốc tại cầu Thị Nghè
Khoảng 18h40, đoạn đường phía trước chùa Pháp Hoa (quận 3, TP.HCM) ùn tắc nhẹ. Đây là nơi thả hoa đăng tưởng niệm người mất vì Covid-19. Cơ quan chức năng đã có mặt để phân luồng.
Những hoa đăng được kết và thả trên kênh Tàu Hũ - Bến Nghé
1.000 bông hoa đăng được thả trên kênh Tàu Hũ - Bến Nghé và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận