Trẻ đầu tiên tại Đà Nẵng chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm |
Vỡ òa hạnh phúc
Ẵm trên tay con trai đầu lòng kháu khỉnh mới 4 ngày tuổi, anh Đoàn Việt Hà (Hải Châu, Đà Nẵng) cùng vợ ngập tràn niềm hạnh phúc. Căn phòng chăm sóc trẻ sơ sinh BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cũng trở lên đặc biệt hơn với sự xuất hiện 3 em nhỏ vừa chào đời bằng phương pháp TTTON.
“Đó là giây phút hạnh phúc nhất. Trưa ngày 25/12, tôi cùng đông đảo mọi người được chứng kiến giây phút bé chào đời. Thật khó diễn tả thành lời”, anh Hà bộc bạch.
Lập gia đình đã lâu nhưng niềm hi vọng có con của vợ chồng anh Hà tưởng chừng đi vào bế tắc sau 3 lần chạy chữa hiếm muộn ở đủ các cơ sở y tế đều bất thành. “May mắn lúc đó, Khoa hiếm muộn của BV chính thức đi vào hoạt động, gia đình tôi là một trong những cặp vợ chồng thực hiện đầu tiên. Kết quả hơn cả mong đợi”, chị Phạm Thị Trang, vợ anh Hà nói. Anh Hà tâm sự: cả nhà định đặt tên cháu là Thiên Phúc, như phúc từ trời “rơi xuống vậy”. Hai năm nữa chúng tôi định sẽ có cháu thứ 2. Đời không có bước đường cùng, chỉ mong ai có vào hoàn cảnh hiếm muộn cũng đừng quá bi quan.
Chăm chút từng cử động của em bé, vợ chồng chị Phạm Thị Mưng (Sơn Trà, Đà Nẵng), Hồ Thị Minh Quyên không dấu nỗi xúc động khi được chào đón thành viên mới từ phương pháp TTTON. TS.BS. Trần Đình Vinh, Giám đốc BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, người trực tiếp thực hiện ca mổ cho 3 sản phụ trên, cho hay: các bé sinh mổ, tình trạng sức khỏe rất tốt. Sau 3 ca này, sắp tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục đón nhận thêm nhiều trẻ khác từ phương pháp này.
Theo BS.Nguyễn Lê Thị Phương- Trưởng khoa Hiếm muộn (BV Phụ sản- Nhi Đà Nẵng), sau 10 năm “thai nghén”, tháng 3/2014 đơn vị tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị vô sinh bằng phương pháp TTON, với sự chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia của HOSREM và Bệnh viện Mỹ Đức. Khoa Hiếm muộn được Bộ Y tế chứng nhận có đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật TTTON, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản…
Các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật, mổ sinh ba trẻ ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm |
TS.BS Vinh cho rằng, với sự thành công của Bệnh viện sẽ giảm thời gian đi lại, chi phí điều trị, căng thẳng tâm lý cho bệnh nhân khi phải đến hai đầu Hà Nội, Hồ Chí Minh chạy chữa. Theo thống kê của Khoa Hiếm muộn, từ khi triển khai TTTON, đến nay đơn vị thực hiện được 116 chu kỳ chuyển phôi tươi và 25 chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh với tỉ lệ thành công tương đương với các trung tâm lớn trong nước. Trong đó, chi phí điều trị của một ca hiếm muộn, vô sinh trên dưới 70 triệu đồng/ca, tùy theo thể trạng bệnh nhân.
Ở Việt Nam hiện nay, mỗi năm có khoảng 15.000 trường hợp thực hiện kỹ thuật này và các kỹ thuật liên quan. Con số này dự báo có thể tăng khoảng 10% mỗi năm.
Lãnh đạo BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cho hay bệnh viện luôn chú trọng tăng cường cập nhật những xu hướng mới TTTON giúp đội ngũ y bác sỹ nâng cao chuyên môn, tiếp cận kỹ thuật tương ứng với những trung tâm hàng đầu của cả nước. Đơn vị đang bổ sung hoàn thiện gói thầu 109 tỷ đồng đầu tư cho nâng cao chất lượng trang thiết bị y tế.
Ngân Hà - Dương Nga
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận