Nội chiến đẩy những mầm non tương lai của Syria vào cơn ác mộng |
Liên hợp quốc “chớp thời cơ” lệnh ngừng bắn, mở rộng hỗ trợ nhân đạo cho hàng triệu người dân Syria đang chết dần chết mòn vì đói khát, thiếu điều kiện cơ bản nhất cho cuộc sống.
“Chúng cháu sợ”
Với những mầm non tương lai của Syria, nội chiến đã biến cuộc đời thế hệ trẻ thành cơn ác mộng. Anh Dr. Hamza Kataeb, 29 tuổi, bác sĩ một bệnh viện tạm tại miền Đông Aleppo kể: “Một bệnh nhân của anh là bé trai 7 tuổi - độ tuổi còn quá bé để hiểu chuyện gì đang diễn ra. Cháu chỉ biết, khi đang trên đường đến trường thì bất tỉnh và thức dậy với một chân bị cưa”.
Sidra và Rama, hai bé gái 13 - 14 tuổi đến từ Aleppo đã mất cả cha mẹ vì nội chiến, hiện đang sống cùng bà trong căn lều tạm tại TP cảng Tartous của Syria. Cũng như bao đứa trẻ khác, Sidra và Rama từng có cuộc sống hạnh phúc tại Aleppo. Chiến tranh ập đến, cả gia đình họ buộc phải ra đi. Trên đường tới Tartous, người cha mất tích. Hai tháng sau, người mẹ qua đời vì bệnh. Sidra chia sẻ: “Chúng cháu không muốn chiến tranh diễn ra, chúng cháu rất sợ”.
Ở cùng khu vực hai chị em, có 2.300 người Syria khác: Người ở trong lều, người ở trong cabin, người sống nhờ ở các khu nhà gần đó. Một số người có việc để kiếm sống, còn lại, phần lớn đều vật vờ, chờ trực hỗ trợ nhân đạo để sống qua ngày. Dù nhớ nhà, nhưng hai chị em Rama không muốn quay về. Hai cô bé muốn sống gần mộ mẹ tại Tartous.
Theo thống kê mới nhất từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Syria, khoảng 11,5% trong 21 triệu người dân Syria thiệt mạng và bị thương trong cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 6 tại nước này. Đến nay, số người thiệt mạng vì nội chiến Syria đã lên tới 470.000 người, gấp đôi so với ước tính trước đó; 80% cơ sở hạ tầng bị phá hủy.
Thực trạng này kéo theo tuổi thọ của người dân Syria bị kéo giảm xuống còn 55,4 tuổi trong khi ước tính trước chiến tranh, người dân Syria trung bình có tuổi thọ khoảng 70. Chiến tranh cũng khiến 13,8 triệu người Syria mất phương tiện nuôi sống gia đình; 45% dân số phải phải di cư, trong đó 4 triệu người tị nạn nước ngoài; 6,36 triệu người khác di tản tới các vùng khác.Những người Syria còn lại sống trong cảnh sống dở, chết dở, đói khát và chật vật kiếm kế sinh nhai, trong tâm trạng lo sợ, hoảng hốt thường trực mỗi ngày. Thực phẩm khan hiếm, giá cả đẩy lên mức “trên trời”.
Chớp thời cơ,tăng cường hỗ trợ nhân đạo
Hôm qua, theo BBC, tận dụng thời điểm các bên tạm ngưng tiếng súng, Liên hợp quốc công bố kế hoạch hỗ trợ nhân đạo như lương thực, nước uống, thuốc thang cho khoảng 150.000 người Syria tại các điểm nóng trong 5 ngày tới, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân tại khu vực chiến tranh. Liên Hợp Quốc cam kết, từ nay tới cuối tháng 3, họ sẵn sàng giúp đỡ khoảng 1,7 triệu người tại các khu vực vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, để có thể mở rộng chuyển hàng nhân đạo, Liên hợp quốc cần sự đồng thuận từ các bên.
Trước đó, nỗ lực chuyển hàng nhân đạo bằng máy bay tới Deir al-Zour - khu vực Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang chiếm giữ đã thất bại do các bọc hàng bị hư hỏng, biến mất hoặc rơi xuống nơi không có người ở. Đại diện Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc cho biết: “Ban đầu, chúng tôi định chuyển lương thực bằng đường bộ - đây là cách hiệu quả nhất để có thể để chuyển hàng nhanh và số lượng nhiều tới các khu vực cần thiết. Nhưng do xung đột, nên nhiều nơi không thể tiếp cận”.
Hiện nay, nhìn chung, tình hình ngừng bắn vẫn nằm trong tầm kiểm soát mặc dù cả hai phe đối lập (được phương Tây chống lưng) và phe Chính phủ Syria tố nhau vi phạm lệnh ngừng bắn hàng chục lần. Một đại diện phe đối lập cho biết, mặc dù đôi nơi có xảy ra vi phạm thỏa thuận nhưng tình hình đã khởi sắc hơn. Phía Nga cũng đánh giá lệnh ngừng bắn được thực thi khá tốt. Điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc tại Syria, ông Yacoub el-Hillo đánh giá, thời gian diễn ra ngừng bắn là cơ hội tốt nhất kéo dài hòa bình và ổn định cho Syria.
Phần lớn người dân Syria đón nhận thông tin trong tâm trạng vừa hoài nghi vừa thấp thỏm hy vọng - lần đầu tiên công tác ngoại giao đã có bước tiến khác biệt. “Hy vọng, lệnh ngừng bắn được tuân thủ chứ không chỉ là lời hứa suông” - anh Ali al-Masri, 40 tuổi, chủ một cửa hàng kem tại Damascus chia sẻ. Vì nội chiến, anh đã phải di chuyển ra vùng ngoại ô 4 năm trước. Biết tin lệnh ngừng bắn có hiệu lực, anh mường tượng về cuộc sống yên bình sắp tới trong một ngày gần đây, “cảm thấy vô cùng hạnh phúc”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận