Nhiều hộ dân làng Pa Oi bị cô lập vì lũ thủy điện cuốn trôi nhà - Ảnh: H.K |
Sự cố Thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang, Quảng Nam) đã gây hậu quả nghiêm trọng, khiến hai công nhân mất tích cùng gần 100 hộ dân bị cô lập dưới dòng nước lũ, may mắn thoát chết giữa lằn ranh mong manh.
Tháo chạy trước “thủy quái”
Sáng 15/9, chính quyền và cơ quan chức năng tiếp tục nỗ lực trục vớt phương tiện, tìm kiếm hai công nhân tại hiện trường sự cố Thủy điện Sông Bung 2 nhưng vẫn chưa có kết quả. Một đoàn công tác của Ban QLDA Thủy điện Sông Bung 2 do ông Huỳnh Dũng, Phó giám đốc Ban QLDA Sông Bung 2 băng rừng vào làng Pa Oi (xã La Ê, Nam Giang, giáp với biên giới Lào) hỗ trợ khẩn cấp ban đầu cho ba hộ dân bị sập nhà; Thăm hỏi, thống kê các hộ dân khác bị ảnh hưởng sau cơn “đại hồng thủy” bục van dẫn dòng.
Dưới cái nắng gắt, làng Pa Oi tan hoang, cây cối xơ xác bạc màu bùn. Dấu tích nhà cửa bị cuốn trôi vương vãi ra cả bìa nương rẫy. Ông A Lăng Danh (một trong ba hộ dân bị mất nhà do lũ thủy điện) cố nhặt nhạnh những vật dụng còn sót lại. “Chậm chút nữa thì mất cả mạng. Dòng nước như con thủy quái hung hãn, bất ngờ ập đến khiến mọi người trở tay không kịp”, ông Danh nói. Nhà ông A Lăng Đinh Hép, Phó chủ tịch UBND xã La Ê cũng bị cuốn trôi. Ông Hép kinh hãi kể: Chỉ phút chốc nước đã dâng lên gần nóc nhà. May mà tôi kịp bồng đứa con 6 tuổi tháo chạy lên núi.
Tại thôn La Bơ B (xã Chà Val, Nam Giang) hai ngày sau “đại nạn” Sông Bung 2, nhiều người vẫn chưa dám ra bờ sông, con suối. Bên những nóc nhà, hàng chục thanh niên trai tráng hò nhau uống rượu tà vạt, như cố quên nỗi khiếp đảm, mừng cho lần thoát chết ngoạn mục. Anh Brao Thiên (38 tuổi) giọng còn bàng hoàng: “Chiều 13/9, tôi đi thả lưới bắt cá, cùng hai người khác đi đánh chài để chuẩn bị cơm tối cho lán trại gồm hơn chục người trong làng đi làm thuê phát tỉa trồng rừng. Bất chợt tôi nghe tiếng động lớn. Ngó lên thì thấy nước từ xa cao quá đầu người, đục ngàu, cuộn chảy ào ào về phía dưới”. Vội bỏ lưới chạy nhưng Thiên nhanh chóng bị nước lũ ập vào người. Anh vớ vội được thân cây. Mồm ngậm đầy nước, mắt mờ nhòe. “Tôi tưởng mình đã chết, rồi may rủi thế nào lại bám vào được dây rừng, cứ thế tìm cách lần mò lên hướng cao”, anh Thiên run giọng.
Nguồn clip: Tuổi Trẻ
Trong đêm 13/9, những người may mắn thoát chết đốt đuốc đi dọc con sông tìm kiếm số người còn lại đang mất liên lạc. Nhiều người không dám tin mình còn sống vì dòng nước quá hung hãn và bất ngờ. Ngay sáng 14/9, dân làng La Bơ B hò nhau cứu được 18 người gặp nạn bên kia sông Bung về.
Chưa xác định được trách nhiệm
Sự cố Thủy điện Sông Bung 2 như phơi bày những lo ngại rất thực tế của người dân sống dưới “quả bom nước”. Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn khẳng định, trong buổi họp báo sáng 14/9, sự cố này “không ảnh hưởng đến vùng hạ du”. Nhưng thực tế, dù mới là vùng lân cận Thủy điện Sông Bung 2 và cũng chỉ mới bục van dẫn dòng, vậy mà hậu quả đã rất nghiêm trọng. Nếu sự cố liên quan đến thân đập trong quá trình thủy điện đang vận hành, tích nước, khi đó hệ lụy còn nghiêm trọng biết chừng nào. Trước đó, lãnh đạo UBND huyện Nam Giang cũng thừa nhận: Dù chủ động tất cả các kịch bản điều tiết lũ nhưng sẽ khó có thể kiểm soát được sự cố thủy điện trong mùa thiên tai.
Chỉ biết rằng, phía trên là thủy điện, phía dưới là biết bao nhiêu sinh mạng đang mong manh sau những “quả bom nước”. Được biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo nhà đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm bồi thường cho dân sau sự cố ngoài ý muốn này, có phương án khắc phục ổn định cuộc sống người dân. Trước mắt, mỗi hộ dân mất nhà được cấp một thùng mì tôm, 25 kg gạo, 2 triệu đồng tiền mặt. Lực lượng chức năng địa phương cũng đang phối hợp rà soát, lên phương án đền bù, hỗ trợ sau sự cố nhưng nỗi ám ảnh về sự cố thủy điện sẽ khó nguôi ngoai. Trong khi đó, trách nhiệm liên quan đến bục van dẫn dòng Thủy điện Sông Bung 2 vẫn chưa được xác định.
Nín lặng mong tin 2 công nhân mất tích Đến cuối giờ chiều qua (15/9), mọi nỗ lực tìm kiếm hai công nhân Đặng Văn Tuyền (SN 1979, quê quán Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Minh Luân (SN 1992, quê quán tỉnh Phú Thọ) - nhà thầu Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4 (một trong 9 nhà thầu triển khai công trình Thủy điện Sông Bung 2) vẫn chưa có kết quả. Bên dòng sông đỏ ngầu, cuộn chảy, việc tiếp cận các cabin, xe múc tại hiện trường nơi hai công nhân làm việc trước khi xảy ra sự cố bục van dẫn dòng không phát hiện nạn nhân nào bị mắc kẹt. Theo lãnh đạo Ban QLDA Thủy điện Sông Bung 2, hàng trăm cán bộ, Bộ đội Biên phòng đi dọc 30-50km bờ sông những ngày qua nhưng không tìm thấy nạn nhân nào. Chị Trần Thị Hồng (em họ nạn nhân Tuyền) chắp tay cầu khấn bên dòng sông, mong điều lành sẽ đến với hai công nhân. “Nhà có hai con nhỏ, anh Tuyền là lao động chính, có mệnh hệ gì thì mất mát khó đong đếm được. Vợ anh ấy khóc ngất mấy hôm nay”, chị Hồng bộc bạch. Xuân Huy |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận