Bệnh nhân Thực đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai |
Bán nhà cứu chồng bị rắn cắn
Nằm điều trị tại Trung tâm Chống độc khoảng chục ngày, bệnh nhân Lê Viết Thực (xóm Văn Thành, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) hiện đã bắt đầu tỉnh táo nhận biết xung quanh nhưng chân, tay vẫn bất động. Theo chị Nguyễn Thị Thái (vợ bệnh nhân), cách đây tháng rưỡi, chồng chị bị rắn cạp nia cắn ngay tại sân nhà. Ngay lập tức, chị đã ga-rô vết cắn và cho chồng uống thuốc nam chữa rắn độc, nhưng sau đó vài giờ, anh Thực bỗng không thở được, sùi bọt mép. Gia đình vội đưa anh vào Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên. Sau một tháng điều trị tại đây, anh Thực được xuất viện, nhưng chỉ sau ba ngày về nhà, anh đột ngột lăn ra bất tỉnh, mắt trợn ngược, thở dốc, gia đình lại cuống cuồng đưa xuống cấp cứu tại Trung tâm Chống độc.
Chị Thái kể, gia cảnh nhà chị nghèo, chẳng có gì ngoài cái xác nhà. 75 triệu tiền viện phí ở Bệnh viện Thái Nguyên, chị vẫn chưa thanh toán hết. Xuống Hà Nội, chị gom góp vay mượn được 30 triệu đóng viện phí nhưng cũng hết rồi. Cậu con trai vừa phải bỏ học để xuống Hà Nội làm thêm và chăm bố cùng mẹ. Hàng ngày, hai mẹ con chỉ dám ăn mì tôm chống đói. “Bác sỹ nói chồng tôi sơ cứu không đúng cách, tự uống thuốc nam nên chất độc ngấm sâu, chữa trị lâu dài, tốn kém. Tôi đang rao bán nhà. Làm gì để cứu được chồng, tôi cũng sẵn lòng, chỉ mong anh mau khỏi để vợ chồng lại cày cuốc trả nợ”, chị Thái nghẹn ngào.
"Hiện, Việt Nam mới chỉ có huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang và rắn lục đuôi đỏ. Do vậy, với các bệnh nhân bị rắn cạp nia cắn thường điều trị bằng máy thở và truyền dịch kéo dài nhiều tuần, khiến bệnh nhân dễ bị biến chứng viêm phổi, loét da, suy thận, nhiễm trùng… nên chi phí điều trị rất tốn kém”. TS. Nguyễn Kim Sơn |
Đang từ 57 kg, giờ nằm bẹp trên giường bệnh với đầy ống xông, ống thở, dây truyền thuốc, anh Thực chỉ còn 40 kg. Theo các bác sỹ điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, hiện chất độc trong cơ thể anh Thức đã được lọc, tuy nhiên, cần phải bồi bổ để anh Thực có sức khỏe “thoát” khỏi sự phụ thuộc vào ống truyền.
Trung tâm Chống độc đã từng tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn trong tình trạng nguy kịch, chi phí điều trị rất cao và lâu dài. Như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Khoa (Duy Tiên, Hà Nam) bị rắn cạp nia cắn vào cổ tay, nhập viện trong tình trạng thập tử nhất sinh. Vừa được cứu sống qua cơn nguy kịch, tiên lượng còn rất xấu và phải tiếp tục nằm máy thở, nhưng gia đình bệnh nhân đã xin cho bệnh nhân về vì… không còn khả năng trả tiền điều trị.
Theo TS. Nguyễn Kim Sơn, phụ trách Trung tâm Chống độc, hầu hết các bệnh nhân bị rắn độc cắn nếu kịp thời nhập viện điều trị đều được cứu sống. Tuy nhiên, viện phí điều trị cho các bệnh nhân bị rắn độc cắn khá tốn kém, trung bình khoảng 5 triệu đồng/ngày.
Nguy hiểm vì sơ cứu không đúng cách
TS. Nguyễn Kim Sơn cho biết, ở Việt Nam có 135 loài rắn, trong đó có khoảng 33 loài có độc, với hai họ rắn: Họ rắn hổ (hổ mang chúa, hổ mang bành, cạp nong, cạp nia) và họ rắn lục. Nọc của rắn độc thường đi theo đường tĩnh mạch và bạch mạch đến các cơ quan trong cơ thể, không đi theo động mạch và có thể gây liệt hô hấp, liệt cơ, phù nề, hoại tử ngay tại chỗ cắn, biến chứng suy thận, loét những mảng da lớn... với tùy từng loại rắn độc.
Do vậy, khi bị rắn cắn, người bệnh cần hạn chế vận động để nọc độc chậm tấn công cơ thể. Biện pháp sơ cứu hợp lý khi bị rắn cắn là nhanh chóng cố định vết cắn bằng nẹp (chú ý không băng ép khi rắn lục cắn), rửa sạch vết cắn bằng dung dịch thuốc tím 1% hoặc nước sôi để nguội pha ít muối hay xà phòng. Sau đó lập tức đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nơi có huyết thanh trị nọc rắn và máy thở để được cấp cứu kịp thời.
“Rất nhiều trường hợp sơ cứu không đúng cách, tự uống thuốc Nam điều trị đã khiến bệnh nhân thêm trầm trọng, thời gian điều trị kéo dài và đặc biệt là bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao”, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc lưu ý.
Vũ Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận