Tỷ lệ lao động thất nghiệp xấp xỉ 4%
Sáng 12/10, Tổng cục Thống kê họp báo Tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2021.
Theo ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê, trong quý III và 9 tháng năm 2021, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ tư tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế đã khiến cho tình hình lao động việc làm quý III năm 2021 tồi tệ hơn.
Dịch Covid-19 khiến lượng lao động có việc làm sụt giảm mạnh, thất nghiệp tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy
“Số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy. Thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và cùng kỳ năm trước”, ông Nam nhấn mạnh.
Cụ thể, thống kê cho thấy, dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm 2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2021 là 3,98%, vượt xa con số 2% như thường thấy.
Trong cơn bão đại dịch, Đông Nam Bộ là vùng chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất về tỷ lệ người tham gia lực lượng lao động với 62,8%, tiếp theo đó là Đồng bằng sông Cửu Long với 65,4% và Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 66,8%.
“Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức làm số lao động trong khu vực này giảm mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức khiến người lao động không còn cơ hội tìm được việc làm phi chính thức như thường thấy trước đây. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người lao động không thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời trong giai đoạn này. ", ông Nam phân tích.
Thu nhập người lao động dưới cả mức "bắt đáy"
Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân tháng của lao động quý III năm 2021 là 5,2 triệu đồng, giảm 877 nghìn đồng so với quý trước và giảm 603 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Mức thu nhập trên cũng thấp hơn đáng kể so với Quý II năm 2020 (5,2 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng), trong khi Quý II năm 2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
“Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của người lao động. So với quý II năm trước, quý đã từng chứng kiến mức thu nhập bình quân “bắt đáy” do thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16, mức thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý III năm nay thậm chí còn thấp hơn nhiều (thấp hơn 329 nghìn đồng). Đây là mức thu nhập thấp nhất được ghi nhận trong nhiều năm trở lại đây”, ông Nam nhận định.
Chia sẻ thêm về mức thu nhập của người lao động trong quý III, bà bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho hay đây chỉ là con số tính toán trên đầu người có việc làm.
Nếu tính thu nhập của cả số người mất việc làm thì mức thu nhập bình quân của lao động trên cả nước giảm 1,6 triệu đồng so với quý trước. Riêng với TP.HCM, con số này giảm hơn 2,3 triệu đồng, đời sống của người lao động đang rất khó khăn.
Nhận định về kết quả trên, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay: “Với báo cáo này, ngành thống kê đã có rất nhiều cảm xúc. Những con số trên cho thấy đợt bùng phát lần thứ tư của dịch Covid-19 đã gây sức ép nặng nề về mọi mặt cho nền kinh kế Việt Nam nói chung và cho thị trường lao động nói riêng.
Thực tế này đặt ra những thách thức lớn cho Chính phủ trong nỗ lực đạt được các mục tiêu tăng trưởng năm 2021”, ông Tiến nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận