Kỳ 1: Đủ chiêu trò né thuế
Kỳ 3: Cơ quan quản lý thuế ở đâu?Kiểm soát qua thiết bị giám sát hành trình
Ông Bùi Xuân Chương, Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra Thuế số 1 (Cục thuế tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, với xe hợp đồng, nếu chỉ có cơ quan thuế vào cuộc sẽ rất khó xác định hành vi trốn thuế.
Vì thế, cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng gồm sở GTVT, công an và cục thuế địa phương để cùng xem xét, đối chiếu cụ thể, từ đó mới có thể xác định hành vi vi phạm.
Khẳng định có thể kiểm soát thuế từ dữ liệu giám sát hành trình, lãnh đạo một đơn vị chuyên trách Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, hãng xe Vân Đồn Xanh do sở cấp phù hiệu xe hợp đồng, nhưng thực chất chạy tuyến cố định. Tuy nhiên, các hợp đồng đều được gửi về sở mỗi khi xe xuất bến.
"Với các doanh nghiệp vận tải hợp đồng, thông qua hệ thống giám sát hành trình, sở quản lý rất chặt số kilomet của từng phương tiện. Cuối tháng, từ thông tin do sở cung cấp, cơ quan thuế sẽ áp dụng biện pháp tính thuế trên cơ sở kilomet lưu thông", vị này chia sẻ.
Đại diện Cục thuế Quảng Ninh cũng cho biết, hiện các phương tiện kinh doanh vận tải đã đăng ký với cơ quan chức năng trên địa bàn đều được quản lý chặt chẽ, tính thuế phù hợp thông qua hệ thống giám sát hành trình.
Đại diện Cục thuế Thanh Hóa thông tin, đơn vị này đã có công văn gửi Cục Đường bộ VN đề nghị kết nối, chia sẻ dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe để phục vụ công tác quản lý thuế. Từ đó, Cục thuế Thanh Hóa chia sẻ đến các phòng quản lý, chi cục thuế đối chiếu kiểm tra trong quá trình kê khai, nộp thuế của các doanh nghiệp.
Còn như hiện nay khi muốn tra dữ liệu số kilomet xe chạy của phương tiện nào, Cục thuế Thanh Hóa phải làm văn bản gửi Cục Đường bộ VN rà soát biển số từng xe, vừa tốn nhiều thời gian, lại bị động nên hiệu quả không cao.
Ứng dụng công nghệ ngăn thất thu thuế
Theo ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty Công nghệ An Vui, để quản lý xe hợp đồng, quy định pháp luật đã có đủ song thiếu công cụ quản lý. Nếu xe tuyến cố định có lệnh vận chuyển điện tử, gửi về Cục Đường bộ VN trước mỗi chuyến đi thì xe hợp đồng cũng tương tự.
Như vậy, trước khi xe lăn bánh, dữ liệu hợp đồng đã được quản lý tập trung ở phần mềm của Cục Đường bộ, khi cần kiểm tra chỉ cần quét mã vạch hợp đồng, lập tức truy xuất được thông tin.
"Dữ liệu này cũng sẽ đi kèm dữ liệu hóa đơn điện tử để gửi sang cơ quan thuế. Khi đó, doanh nghiệp không thể né được", ông Mạnh nói và cho rằng, cần khẩn trương ứng dụng công nghệ để xây dựng phần mềm quản lý hợp đồng điện tử của các xe hợp đồng.
Đồng quan điểm, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, việc thu thuế sẽ thuận lợi hơn thông qua phát hành hóa đơn điện tử.
Theo bà Lan, hóa đơn điện tử có thể phát hành ngay trên taxi, hoặc ngay trên xe khách. Khi quy định này phổ biến sẽ giúp giảm tình trạng trốn thuế.
"Trước đây, chúng ta tranh cãi việc thất thu thuế từ Uber, Grab… nhưng khi áp dụng công nghệ, gần như thu được 100%. Với lĩnh vực GTVT, hiện chỉ còn phần thuế thu nhập cá nhân với chủ phương tiện còn một số khó khăn. Trong tương lai giảm bớt đầu mối thì việc này sẽ được cải thiện.
Tôi mong mô hình vận tải sẽ được quản lý theo loại hình doanh nghiệp trở lên, còn để mô hình cá nhân, hộ kinh doanh thì khó khăn trong thu thuế vẫn sẽ tồn tại", bà Lan nói.
Cũng theo bà Lan, với những xe đã được cấp phù hiệu thì ngành thuế đang quản lý vì có danh sách từ dữ liệu ngành GTVT. Còn địa phương sẽ là đơn vị nắm địa bàn tốt nhất để thấy được những bất thường, từ đó thông báo với cơ quan thuế và công an vào cuộc hậu kiểm. Khi có sự kết hợp tốt thì tinh thần tự giác của doanh nghiệp cũng tăng lên.
Tăng chế tài, siết xe trá hình
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, cần khẩn trương hoàn thiện phần mềm tiếp nhận dữ liệu giám sát hành trình, camera giám sát người lái xe theo hướng thông minh hơn.
Cùng đó, xây dựng phần mềm tiếp nhận thông tin hợp đồng vận chuyển để nâng cao công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cũng nhấn mạnh, cần cải tiến phần mềm dữ liệu giám sát hành trình, camera gắn trên xe khách để trích xuất được nhanh chóng, tăng hiệu quả sử dụng dữ liệu. "Với cách khai thác thủ công như hiện nay, chúng ta sẽ không đủ thời gian và nhân lực để rà soát hàng trăm nghìn xe trước khi cấp đổi, cấp lại phù hiệu", ông Quyền nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN, Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đối với lĩnh vực đường bộ. Cục sẽ nâng cấp hệ thống giám sát hành trình, trong đó chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung phục vụ quản lý và kết nối chia sẻ với ngành công an, thuế, hải quan để cùng quản lý xe kinh doanh vận tải.
Để khắc phục những bất cập trong quy định quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, Cục Đường bộ VN đã đề xuất sửa đổi nhiều quy định tại Nghị định 10/2020, hiện đã trình Chính phủ.
Theo đó, bổ sung quy định đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe theo hợp đồng không được đón, trả khách từ 3 ngày liên tiếp trở lên hoặc từ 10 ngày trở lên trong một tháng tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác.
Trước khi vận chuyển khách theo hợp đồng, đơn vị phải gửi kèm danh sách hành khách đến sở GTVT nơi cấp giấy phép kinh doanh qua thư điện tử hoặc qua phần mềm quản lý vận tải của Bộ GTVT. Việc này nhằm ngăn chặn các đơn vị sử dụng xe hợp đồng đón thêm khách như tuyến cố định và cập nhật thêm vào danh sách hành khách để đối phó.
Bên cạnh đó, quy định xe vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên bị thu hồi phù hiệu sẽ được sửa đổi thành vi phạm từ 3 lần trở lên trong 1 ngày.
Ngoài ra, bổ sung chế tài thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải đối với đơn vị trong thời gian 1 tháng có từ 30% số phương tiện trở lên của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu, biển hiệu.
Để hạn chế tình trạng doanh nghiệp đăng ký tuyến cố định nhằm giữ chỗ nhưng bỏ bến ra ngoài hoạt động, đề xuất đình chỉ khai thác lốt đã đăng ký nếu trong một tháng thực hiện dưới 70% tổng số chuyến xe của lốt này.
Phải quản lý từ gốc việc bán vé
Theo ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín (Hội tư vấn thuế), việc thất thu thuế về bản chất là do người tiêu dùng không có nhu cầu lấy hóa đơn, tạo cơ hội cho việc trốn thuế. Riêng với vận tải khách, những xe không vào bến để bán vé và việc đón khách dọc đường cũng gây thất thu.
Để tránh thất thu, phải quản lý được từ gốc là bán vé ở đâu, như thế nào? Thứ hai là nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng. Thứ ba là tăng cường kiểm tra giám sát.
"Ví dụ, cần xây dựng cơ chế để kiểm tra đột xuất, nếu hành khách nào không có vé thì chủ xe sẽ bị phạt nặng. Như xe buýt, khách hàng lên xe đều phải lấy vé và việc này đã trở thành thói quen", ông Được nói.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Quang, Công ty TNHH Tư vấn QMC, Hội kế toán hành nghề Việt Nam (VICA), với hộ cá thể, khi kết hợp lốt xe đã đăng ký, ví dụ đi từ Tuyên Quang đến Hà Nội, vào bến nào, ngày bao nhiêu chuyến, số tiền cước xe bao nhiêu... từ đó sẽ tính được số thuế và cơ quan thuế sẽ áp mức khoán cố định cho xe đó.
Tuy nhiên, với cách này, hộ cá thể đang bị lệ thuộc vào cá nhân cán bộ thuế rất nhiều. Ví dụ, đáng lẽ thuế phải nộp 10 triệu đồng/tháng, nhưng có thể thỏa thuận tính 80%. Đây có thể là lỗ hổng gây thất thoát.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận