Những bức tranh 3D trong ngõ 136 Hồ Tùng Mậu giúp ngõ nhỏ trở nên sống động, đẹp mắt hơn |
Nơi thư giãn lý tưởng
Cuối tháng 3/2018, PV Báo Giao thông có mặt tại ngõ 136 Hồ Tùng Mậu - nơi được cho là đường tranh 3D dài nhất Thủ đô. Tại đây đang thu hút rất đông người xem, đặc biệt là giới trẻ đến thưởng lãm và lưu lại những bức ảnh kỉ niệm.
40 bức tranh (mỗi bức cao khoảng 3m, chiều dài khoảng 6m) xoay quanh các chủ đề truyện cổ tích Việt Nam, Tết Trung thu, tranh Đông Hồ, phong cảnh Việt… được 20 họa sĩ khéo léo vẽ trên những mảng tường đã thực sự tạo diện mạo mới cho con ngõ nhỏ. Chú Đinh Văn Tân, một người chạy xe thương binh phía đầu ngõ cho biết, tuy chỉ dài khoảng hơn 300m nhưng đây lại là nơi thư giãn lý tưởng mỗi buổi chiều của người già, trẻ nhỏ.
Mới đây nhất, phố bích họa Phùng Hưng cũng đang tạo ra một “phố đi bộ thứ 2” lý thú cho người dân sống trên địa bàn Hà Nội. Chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 2/2018, thực hiện với sự hỗ trợ của Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc (KF) và Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc (Un Habitat) với chiều dài khoảng 400m, phố bích họa Phùng Hưng mang đến một không gian tổng thể tĩnh - động về Hà Nội xưa và nay với những bích họa 3D tinh tế từ sạp chữ của ông đồ xưa, đường ray cầu Long Biên đến khu sinh hoạt thời bao cấp không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn đưa những người Hà Nội sống lại cả một thời ký ức. |
“Thực tế, cây xanh ở đây rất ít, lại gần công trường thi công bụi bặm, nhưng kể từ khi mấy bức tranh kia được vẽ, không khí xung quanh dễ chịu đi rất nhiều. Hàng ngày có rất nhiều người đến ngắm tranh, chụp hình”, chú Tân vừa chỉ tay vào 4 bức tranh đầu ngõ vừa nói.
Cách đó không xa, “con đường gốm sứ thứ 2” của Hà Nội nằm trong ngõ 78 Duy Tân cũng đang tạo hiệu ứng cải thiện tích cực cho không gian vốn bí bách ở Thủ đô. Quan sát cho thấy, đoạn đường tranh gốm dài khoảng 200m gồm nhiều bức tranh độc đáo về phố phường Hà Nội và phong cảnh làng quê Việt.
Nói về nguồn gốc của công trình đặc biệt này, ông Hồ Sỹ Thạo (cán bộ nghỉ hưu, số nhà 51) cho hay, thời gian trước, khu vực này là bãi rác lớn, sau đó quy hoạch, xây dựng Trường THCS Dịch Vọng Hậu bây giờ. Các bức tường bao cao 3m được dựng lên khiến không gian trở nên tù túng. Sau đó, từ ý tưởng vẽ tranh trước nhà của bà Vũ Thị Bắc (57 tuổi), một người dân sống trong ngõ, năm 2010, 16 hộ dân đã bắt tay thống nhất cùng làm để trang hoàng, tạo không gian mở trong con ngõ. Tường trước cửa nhà ai, nhà đó tự chủ kinh phí thi công. Đến nay, những bức tường đã được các họa sỹ vẽ gần chục năm nhưng vẫn không bị cũ kỹ. Đặc biệt còn tránh được nạn vẽ bậy, dán quảng cáo nhem nhuốc...
“Bức tường được tạo dựng bởi 22 bức tranh với 3 chủ đề: Khuyến học, phong cảnh phố cổ và nông thôn với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng. Nó không chỉ giúp làm đẹp xóm ngõ mà còn chống được những hành vi vẽ bậy, quảng cáo “rác” đang diễn ra ở rất nhiều nơi”, ông Thạo nói.
Kiểm soát nghiêm ngặt nội dung tranh
Trao đổi với Báo Giao thông, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Tô Văn Động cho biết, hiện nay nhiều tuyến đường của Hà Nội, các huyện ngoại thành... đang có ý tưởng vẽ tranh 3D, thay cho những bức tường cũ kỹ để tạo nên diện mạo mới ở nơi mình sinh sống. Tuy nhiên, theo ông Động, người dân vẽ trong nhà thì không sao, nhưng vẽ tranh tường liên quan đến giao thông, đến công cộng thì nội dung phải được kiểm soát chặt để tránh những bức tranh tiêu cực, gây phản cảm hoặc liên quan đến phản động, chống đối.
Về việc cấp phép các hộ không phải lên tận sở, bởi vì các quận, huyện đều có các phòng ban chức năng liên quan đến văn hóa. “Làm đẹp cho phố, phường là việc nên làm. Chúng tôi không quá cứng nhắc nhưng nội dung, ý tưởng bức tranh phải phù hợp, không mang tính phản động”, ông Động nói.
Cũng theo ông Động, để không có những bức tranh 3D gây phản cảm hoặc phản động, các cơ quan văn hóa địa bàn phải kiểm soát kỹ trước khi cấp phép, không để người dân nghĩ có tiền, thuê được họa sỹ thì vẽ gì cũng được. Bởi ngoài không gian sinh sống, việc vẽ tranh ở những nơi công cộng phải được kiểm soát.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận