Người dân bức xúc phản ánh với PV Báo Giao thông |
Rụng rời cầm hóa đơn tiền điện
Bình thường mỗi tháng gia đình bà Trịnh Minh Thảo (phòng 201, Nhà B3A, Khu ĐTM Nam Trung Yên) nộp khoảng 600.000 - 700.000 đồng tiền điện. “Vậy mà hóa đơn tiền điện tháng 2/2014 của gia đình tôi lên đến 2.423.014 đồng”, bà Thảo vẫn còn bức xúc khi phản ánh với PV vào tối 26/2. Bà cho biết, việc dùng điện của gia đình ổn định cả chục năm nay, không thể có chuyện đột biến như vậy. Vì thế, ngay cả người đi thu tiền điện cũng thấy bất thường.
Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, PV Báo Giao thông đã tiếp xúc với các hộ dân tại tòa nhà B3A. Mặc dù bức xúc nhưng một số hộ gia đình vẫn tỏ ra thận trọng khi nêu ý kiến. Hỏi ra thì được biết, họ lo sợ khi vụ việc khi được đưa ra công luận, gia đình mình sẽ bị cán bộ ngành Điện “trù” và có thể gây khó dễ, ảnh hưởng đến việc sử dụng điện và sinh hoạt của gia đình. |
Cùng cảnh ngộ với bà Thảo là hộ gia đình anh Đỗ Ngọc Tú (Phòng 203). Hai vợ chồng trẻ và hai con nhỏ mỗi tháng dùng khoảng 500.000 đồng tiền điện (một số ngày trời lạnh, dùng điều hòa cũng chỉ lên đến 600.000 đồng). Thế nhưng, tháng 2 lại “nhảy” lên 1,2 triệu đồng, chưa kể những ngày Tết vừa qua cả gia đình còn đóng cửa về quê cả chục ngày.
Trong số những hộ gia đình phải nhận hóa đơn tiền điện “trên trời” còn có hộ gia đình ông Tổ trưởng Tổ dân cư Nhà B3A - ông Bùi Minh Quốc. Bình thường, tối đa gia đình ông Quốc chỉ dùng đến 600.000 tiền điện, nhưng tháng này hóa đơn lên đến gần 900.000 đồng.
Tuy nhiên, điều trớ trêu ở chỗ, trong khi có những gia đình phải nhận hóa đơn với khoản tiền “trên trời” thì lại có những hộ dân “bất ngờ” được hưởng lợi khi chỉ phải đóng có vài chục nghìn đồng. Gia đình ông Nguyễn Văn Việt (phòng 406) là một ví dụ. Bình thường, hộ gia đình này mỗi tháng đóng khoảng 700.000 tiền điện nhưng tháng 2, hóa đơn chỉ có... 32.000 đồng. Những hộ khác như nhà ông Cường (phòng 402), ông Hùng (606) cũng có số tiền ghi trên hóa đơn “sụt giảm” bất ngờ, lần lượt là 42.000 và 50.000 đồng cho 1 tháng.
Hóa đơn tiền điện tháng 2 của hộ gia đình ông Nguyễn Quang Thành (Phòng 201) lên đến 2.423.014 đồng |
Kế điện tử có vấn đề?
Ngoài việc “tố” nhân viên Công ty điện lực Cầu Giấy không trung thực khi ghi số điện, các hộ dân Nhà B3A Nam Trung Yên nghi ngờ chất lượng công-tơ điện tử có vấn đề và không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chính vì thế mà 2 lần đơn vị này có thông báo về việc thay công-tơ mới, người dân cũng đã bố trí công việc, thời gian để ở nhà “chốt” số, giám sát việc thay lắp nhưng cán bộ điện lực lại không đến. Sang đến lần thứ 3, khi chẳng có thông báo gì thì họ lại đột ngột xuất hiện, thay công-tơ mới mà không thông tin cho người dân.
Nhiều hộ dân Nhà B3A - ĐTM Nam Trung Yên, đã làm đơn khiếu nại thì ngày 25/2 Công ty điện lực Cầu Giấy có thông báo gửi BQL và các hộ dân giải thích rất thiếu thuyết phục: “Do thay đổi hình thức ghi số công tơ đo đếm điện từ ghi bằng sổ giấy sang ghi số công-tơ bằng thiết bị điện tử cầm tay nên có một số “nhầm lẫn”, dẫn đến sai lệch hóa đơn tiền điện. Sự cố “nhầm lẫn” này không liên quan đến việc thay công-tơ.”
Theo ông Trịnh Minh Tuấn - Trưởng Phòng kinh doanh Công ty Điện lực Cầu Giấy, Công ty đã nhận được phản ánh của các hộ dân tại Nhà B3A - Khu tập thể Nam Trung Yên về tình trạng “loạn” số điện. Khi xác minh thì đúng là có chuyện đó. Tuy nhiên, điều này không liên quan đến việc thay công-tơ mới. “Việc thay định kỳ công-tơ được tiến hành đúng quy trình. Công-tơ mới đã được đăng ký mẫu mã, kiểm định theo tiêu chuẩn của Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam. Còn tình trạng “loạn” số công tơ điện dẫn đến sự chênh lệch số điện tại công-tơ của các hộ gia đình là do cán bộ, công nhân viên khi ghi chỉ số công-tơ đã ghi “nhầm” chỉ số của nhà này sang nhà khác, dẫn đến sản lượng sử dụng điện của các hộ dân có nhà tăng đột biến, có nhà lại quá thấp và không chính xác”, ông Tuấn giải thích.
Ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Công ty Điện lực Cầu Giấy nói: Công ty đã có chỉ đạo không thu tiền của các hộ dân Nhà B3A Khu ĐTM Nam Trung Yên, đồng thời cho kiểm tra, rà soát, lập lại hóa đơn theo đúng sử dụng của từng hộ tại Nhà B3A. “Hiện nay áp dụng công nghệ mới, cán bộ, nhân viên ghi thẳng vào máy tính và có thể thao tác có sự nhầm lẫn nên dẫn tới “loạn” số như trên, còn tổng số điện dùng của khu Nhà B3A vẫn không thay đổi”, ông Dũng cho biết, Công ty sẽ tiến hành tính toán lại, đảm bảo khách hàng thanh toán đúng với việc sử dụng điện của từng hộ gia đình.
Minh Thành - Văn Huế
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận