Báo Giao thông trao đổi với PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) về vấn đề này.
PGS.TS. Trần Đắc Phu
Nới lỏng nhưng không thả lỏng
Ca nhiễm trong nước hiện xấp xỉ 150 nghìn/ngày song số ca nặng, tử vong thấp. Theo ông, đây có phải là thời điểm cần coi Covid-19 như bệnh thông thường để bình thường hóa các hoạt động kinh tế?
Chắc chắn Covid-19 sẽ trở thành bệnh lưu hành (bệnh thông thường – PV), nhưng thời điểm này thì tôi nghĩ là chưa.
Vì sao vậy, thưa ông?
Hiện tại, còn nhiều yếu tố chúng ta chưa đạt được. Trong đó, việc lây nhiễm không ổn định, dịch có thể bùng phát mà không kiểm soát được; quá tải hệ thống y tế làm ảnh hưởng đến xã hội.
Xã hội vẫn phải sử dụng những biện pháp để đáp ứng hơn mức bình thường so với các bệnh truyền nhiễm khác.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đã trao đổi với các chuyên gia trong nước, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), của Mỹ và nhận định, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi tình hình, cập nhật để có thể coi Covid-19 là bệnh lưu hành vào thời điểm thích hợp.
Nhưng “thời điểm thích hợp” đó là khi nào?
Dự báo trong lúc này còn khó khăn vì Covid-19 luôn diễn biến phức tạp, khó lường. Cũng có thể 6 tháng cuối năm, khi việc tiêm vaccine đạt tỷ lệ cao trên thế giới, có thuốc điều trị và virus duy trì chủng nhẹ hơn, dịch có thể diễn biến về bệnh thông thường.
Sau nhiều lần điều chỉnh, đến nay, Việt Nam đã giảm thời gian cách ly với F0, F1; ca nhiễm nhẹ, không triệu chứng điều trị tại nhà, thương mại hóa thuốc kháng virus, thay đổi tiêu chí đánh giá vùng dịch… tại sao không bỏ luôn các quy định hạn chế như một số nước trên thế giới thưa ông?
Tôi cho rằng, Việt Nam quy định như hiện nay là phù hợp. Có nước bỏ các hạn chế tụ tập đông người, không yêu cầu đeo khẩu trang, không bắt buộc chứng nhận tiêm vacine nhưng cũng có nước thắt chặt hơn chúng ta như Trung Quốc, Nhật Bản…
Chúng ta cho nhập cảnh, thông thương để du lịch có thể phục hồi. Bộ Y tế mới đây đề xuất nới lỏng quy định, người lao động nhiễm bệnh nhẹ, không triệu chứng có thể đi làm để phục hồi phát triển kinh tế…
Tuy nhiên, phải đồng bộ các giải pháp dự phòng. Nếu không thì chỉ một khâu nào đó có vấn đề, dịch bệnh bùng phát sẽ lại gây đứt chuỗi dây chuyền sản xuất.
Chưa thể bỏ 5K
Một số ý kiến cho rằng hiện nguyên tắc 5K đã xuất hiện một số điểm không sát với thực tế bình thường mới, chẳng hạn học sinh đến trường thì không thể không tập trung (Ảnh minh họa)
Nhưng cho F1, F0 đi làm mà vẫn duy trì 5K trong cộng đồng thì có mâu thuẫn không?
Như tôi đã nói, hiện giờ chúng ta đang thực hiện từng bước nới lỏng nhưng không thả lỏng. Ta đang chuyển từ việc cấm đoán sang kiểm soát rủi ro.
Mặc dù chúng ta đã thực hiện nới lỏng cách ly với F0, F1, nhưng hiện các trường hợp F0 và F1 quá nhiều, dẫn tới không có người làm việc.
Bộ Y tế đề xuất và cho phép F0, F1 đi làm nhưng vẫn trong điều kiện thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Vì nếu các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, cả đơn vị nhiễm bệnh và trở thành F0 hết thì sẽ rất gay!
Vì thế, với F0, F1 đi làm, cần thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K để kiểm soát, có phương án phòng bệnh để giảm lây nhiễm.
Nhưng chúng ta cũng phải hiểu là không phải khi nào, lúc nào cũng có thể thực hiện được hết các K trong 5K mà linh hoạt các K với nhau tùy theo tính chất công việc hoạt động, chỉ thực hiện được tối đa có thể.
F1 vẫn phải theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Mỗi cơ quan, đơn vị, xí nghiệp cần có hướng dẫn, phương án, kịch bản cụ thể, sắp xếp hợp lý..
Cho nguồn lây ra ngoài xã hội thì đâu cần các hạn chế khắt khe như cấm tụ tập đông người, giữ khoảng cách bắt buộc tại các cơ sở nhà hàng nữa?
Khi nới lỏng quy định với F0, F1 thì mọi người càng cần áp dụng 5K. Đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với người khác trong thời điểm này là cần thiết. Nhất là khi các ca tái nhiễm, nhiễm Covid-19 khác chủng đã không còn là cá biệt.
Các biện pháp trong 5K phải tùy tình huống và linh hoạt bổ sung cho nhau trên tinh thần bảo vệ sức khỏe chính mình và người khác tốt nhất nhưng không làm đình trệ sản xuất.
Trong giai đoạn này, chúng ta phải chấp nhận rủi ro, vừa kiểm soát vừa theo dõi chuyển biến và có giải pháp tương thích. Do vậy, việc ràng buộc trách nhiệm với F0, F1 nên dựa trên ý thức cá nhân của mỗi người.
Không cấm mở lễ hội
Người dân xếp hàng dài tại trạm y tế đợi xét nghiệm Covid-19
Nếu chống dịch dựa trên ý thức cá nhân của mọi người thì rất khó kiểm soát, ví như nếu không cấm mở lễ hội thì đình, chùa rất đông, người dân không tự giác đâu thưa ông…
Tôi luôn giữ quan điểm, nới lỏng nhưng phải trong kiểm soát.
Ví như việc tổ chức lễ hội không nên cấm nhưng phải có phương án, phải có bộ máy giám sát. Nếu có hướng dẫn, quy định rồi mà vẫn tập trung quá đông người, việc phòng dịch chưa tốt thì phải điều chỉnh ngay.
Ở diện rộng hơn, nới lỏng quy định hạn chế, cách ly thì phải tăng cường giải pháp phòng chống, không để tăng các ca nhiễm nặng, quá tải hệ thống y tế. Nếu có nguy cơ phải điều chỉnh quy định ngay.
Về điều trị bệnh nhân Covid-19 cần tiếp tục phân tầng cho tốt, không để bệnh nhân nhẹ vào khu điều trị nặng, còn bệnh nhân nặng lại không có cơ hội được cứu chữa.
Vậy, các việc cần làm để ngăn ngừa rủi ro khi thay đổi quan điểm chống dịch, mở cửa thúc đẩy kinh tế là gì thưa ông?
Tôi cho rằng, phải tăng cường y tế cơ sở để tiếp cận với bệnh nhân sớm.
Muốn làm việc đó phải tăng cường lực lượng thầy thuốc, tư vấn hỗ trợ online, huy động sinh viên y khoa, thầy thuốc về hưu tư vấn hỗ trợ người nhiễm, phát hiện kịp thời xử lý các ca có triệu chứng, dấu hiệu trở nặng…
Tiếp tục tiêm vaccine, tiêm vét hết các đối tượng trì hoãn tiêm vaccine, phụ nữ sau sinh chưa tiêm, người già chưa tiêm và đặc biệt là tiêm cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi…
Cảm ơn ông!
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên:
Sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhà khoa học nhận định dịch Covid-19 chưa thể được kiểm soát trong năm 2022, có thể xuất hiện các chủng mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp, khó lường.
Số ca nhiễm vẫn có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vaccine nếu loại bỏ các biện pháp phòng, chống dịch.
Trong thời gian tới, chúng ta mở cửa trở lại, nới lỏng cách ly y tế, xóa bỏ các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên tất cả các phương tiện, lượng khách quốc tế đi/đến Việt Nam sẽ gia tăng mạnh. Điều này cũng đồng nghĩa sẽ không tránh khỏi gia tăng nguy cơ lây nhiễm, tiếp tục làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế, đặc biệt tại tuyến cơ sở.
Việt Nam hiện đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch và quản lý bền vững. Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tiễn; Sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống.
Bộ Y tế cũng đã hoàn thiện Chương trình tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022 - 2023 để trình Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu tiếp tục đặt sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; bảo đảm vừa kiểm soát dịch hiệu quả, kiểm soát rủi ro (bệnh nặng, tử vong), bảo đảm thực hiện đa mục tiêu khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Uyên Vũ (Ghi)
BS. Trương Hữu Khanh (Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM):
Nên điều chỉnh quy tắc 5K
Covid-19 là bệnh lây theo đường hô hấp, hiện vaccine chưa mang lại hiệu quả phòng lây nhiễm cao nên phòng dịch cá nhân vẫn rất quan trọng.
Tuy nhiên, vừa qua cũng đã có không ít ý kiến đề xuất xem xét lại quy tắc 5K trong phòng, chống dịch, đặc biệt với quy định “khoảng cách” và “không tụ tập”. Tôi cho rằng, đây cũng là vấn đề cơ quan quản lý nên nghiên cứu.
Theo tôi, điều quan trọng nhất trong quy tắc này là thực hiện nghiêm “khẩu trang” và “khử khuẩn”, còn lại cần linh hoạt điều chỉnh, không nên cứng nhắc. Ví như trong sản xuất, giữ khoảng cách 2m là hoàn toàn không hợp lý, hay với “không tụ tập” cần linh hoạt thành “không tụ tập khi không cần thiết”…
Còn với khai báo y tế trong thời điểm hiện nay là hoàn toàn không có ý nghĩa, nên thay đổi.
Với quan điểm sống chung với dịch, nên điều chỉnh quy tắc 5K cho phù hợp với tình hình dịch, độ phủ vaccine, trong đó vẫn cần nhấn mạnh 2K cần thiết nhất và phải thực hiện nghiêm đó là “khẩu trang” và “khử khuẩn”.
Hồng Vân (Ghi)
Long An tiên phong để F0, F1 đi làm trực tiếp
UBND tỉnh Long An cho biết, đã ban hành văn bản mới về việc quy định tạm thời các trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Theo đó, các F0 (không triệu chứng), F1 là cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động được đến các cơ quan Nhà nước làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trên tinh thần tự nguyện và phải có sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc cấp trên trực tiếp.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, nếu không bổ sung kịp thời sẽ không thể hoàn thành các hợp đồng giao hàng cho đối tác đúng thời gian quy định... hoặc các trường hợp cấp thiết về nguồn nhân lực lao động mà không tuyển dụng kịp thời, được phép sử dụng lao động của công ty đang là F0 (không triệu chứng), F1 đang trong thời gian cách ly để làm việc.
Việc sử dụng lực lượng lao động này cũng phải được dựa trên tinh thần tự nguyện của người lao động, được sự đồng ý của chủ doanh nghiệp và theo hướng dẫn của trung tâm y tế cấp huyện hoặc cấp xã.
Việc để F0, F1 đi làm trở lại cũng kèm theo các điều kiện như cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp sử dụng những lao động này phải bố trí nơi làm việc sao cho họ không tiếp xúc với người xung quanh. F0, F1 cũng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm. F0, F1 khi đi làm có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại.PV
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận