Những thay đổi chỉ nội thất và tính tiện nghi không bị coi là cải tạo
Theo Bộ GTVT, Thông tư 85/2014 được ban hành đã tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện nhu cầu về cải tạo phương tiện, yêu cầu về quản lý nhà nước đối với loại phương tiện cải tạo đã có nhiều thay đổi nên xuất hiện một số bất cập, không còn phù hợp với tình hình thực tế, cần sửa đổi, bổ sung.
Tại Thông tư 43/2023 vừa ban hành, Bộ GTVT quy định rõ các trường hợp xe cơ giới thay đổi chỉ liên quan đến nội thất và tính tiện nghi, không liên quan đến an toàn thì không coi là cải tạo xe cơ giới.
Những trường hợp này gồm: Thay đổi cửa lên xuống khoang hành khách (không bao gồm thay đổi vị trí và kích thước cửa); Thay đổi một số kết cấu thùng chở hàng như: bịt kín hoặc thay đổi kết cấu cánh cửa thùng hàng; thay thế tôn bọc dạng phẳng thành dạng sóng hoặc ngược lại; bọc thêm tôn phần khung mui của xe mui phủ không làm tăng chiều cao thành thùng hàng; lắp thêm hoặc tháo bỏ nắp chắn bụi cho thùng chở hàng của xe ô tô tải tự đổ; Lắp, thay thế hoặc tháo bỏ nắp che khoang chở hàng, hành lý của xe ô tô PICKUP nhưng không làm thay đổi kích thước lòng thùng hàng và kích thước bao của xe.
Lắp đặt thêm đèn sương mù dạng rời; Thay thế cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng cụm đèn đã được chứng nhận hoặc công bố hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (QCVN 35:2017/BGTVT) mà không cần phải gia công thay đổi kết cấu của xe để đảm bảo việc lắp đặt; Thay thế bóng đèn thuộc cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng bóng đèn loại khác có công suất tiêu thụ điện tương đương mà không cần phải can thiệp, thay đổi kết cấu của cụm đèn;
Thay đổi các chi tiết, bộ phận thân vỏ là tùy chọn của nhà sản xuất xe nhưng không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe; thay đổi về kiểu dáng một số chi tiết của phần thân vỏ xe như: lưới tản nhiệt trước xe, cánh lướt gió; lắp đặt thêm mui gió trên nóc ca bin ô tô tải, bậc bước chân lên xuống, trang trí ống xả, đai trang trí bảo hiểm đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu mà không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe cũng không được coi là cải tạo xe cơ giới.
Đồng thời, các trường hợp trên vẫn được kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định.
Miễn lập hồ sơ thiết kế nhiều trường hợp xe cải tạo
Thông tư mới cũng mở rộng thêm các trường hợp cải tạo không cần lập hồ sơ thiết kế để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đơn cử như lắp, thay thế hoặc tháo bỏ nắp che khoang chở hàng, hành lý của xe ô tô PICKUP làm thay đổi kích thước lòng thùng hàng nhưng không làm thay đổi kích thước bao của xe; Lắp, thay thế hoặc tháo bỏ giá nóc của ô tô con tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất mà không làm thay đổi chiều rộng toàn bộ của xe; Lắp, thay thế hoặc tháo bỏ mui gió trên nóc ca bin ô tô đầu kéo; Lắp, thay thế hoặc tháo bỏ bơm, thùng dầu và hệ thống đường ống thủy lực của xe đầu kéo để dẫn động cho hệ thống nâng hạ thùng hàng của sơ mi rơ moóc tải tự đổ.
Ngoài ra còn có thay đổi bố trí chỗ ngồi hành khách hoặc cửa xếp dỡ hàng hóa của thùng hàng hoặc vật liệu bọc, lót thùng hàng; Ô tô tải lắp thêm hoặc thay thế thiết bị nâng hạ hàng hóa của thùng hàng đã có giấy chứng nhận an toàn của cơ quan có thẩm quyền hoặc tháo bỏ thiết bị này.
Trường hợp nào không được cải tạo xe cơ giới?
Tại Thông tư cũng quy định các trường hợp không được cải tạo xe cơ giới. Trong đó, không cải tạo thùng xe của xe tải chưa qua sử dụng được nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp trong thời gian 6 tháng kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định lần đầu đến ngày nộp hồ sơ thiết kế (trừ trường hợp cải tạo thành xe tập lái, xe sát hạch lái xe; cải tạo lắp đặt thêm mui phủ của xe tải thùng hở).
Không cải tạo các hệ thống phanh, hệ thống treo và hệ thống lái của xe cơ giới, trừ các trường hợp: Cải tạo lắp đặt hoặc tháo bỏ bàn đạp phanh phụ trên xe tập lái, xe sát hạch lái xe; Cải tạo để cung cấp năng lượng và điều khiển hệ thống phanh của rơ moóc, sơ mi rơ moóc; Cải tạo đối với xe cơ giới tay lái nghịch; Cải tạo các cơ cấu điều khiển và ghế ngồi phù hợp với chức năng vận động của người khuyết tật điều khiển xe; Cải tạo theo đề nghị của nhà sản xuất xe đối với một số trường hợp (như: thay đổi một số linh kiện, cụm linh kiện của hệ thống phanh, hệ thống lái, hệ thống treo nhằm loại bỏ các nguy cơ tiềm ẩn về mất an toàn hoặc để nâng cao hiệu quả hoạt động).
Đặc biệt, không cải tạo lắp đặt giường nằm loại hai tầng lên xe chở người, trừ trường hợp ô tô trước cải tạo là ô tô khách có giường nằm hai tầng.
Không cải tạo thay đổi khoảng cách giữa các trục của xe cơ giới, trừ các trường hợp: cải tạo thành xe chuyên dùng, xe đầu kéo; cải tạo thu ngắn chiều dài cơ sở khi cải tạo trở lại thành xe cơ giới trước cải tạo lần đầu và cải tạo để giảm chiều dài toàn bộ, kích thước thùng xe của xe tự đổ, xe xi téc, xe tải phù hợp quy định tại Thông tư số 42/2014.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định không sử dụng lại động cơ của xe cơ giới đã có thời gian sử dụng quá 15 năm tính từ năm sản xuất để thay thế hoặc cải tạo. Động cơ thay thế có công suất lớn nhất theo công bố của nhà sản xuất nằm trong khoảng từ 90% đến 120% so với công suất lớn nhất của động cơ được thay thế.
Cần cẩu, xi téc chở hàng nguy hiểm, xi téc chở khí nén, khí hóa lỏng khi lắp lên xe cơ giới cải tạo phải được kiểm tra, chứng nhận về tính năng, chất lượng, an toàn kỹ thuật bởi các tổ chức đã được chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động trong lĩnh vực giao thông vận tải theo quy định.
Xe cơ giới chỉ được cải tạo thay thế một trong hai tổng thành chính là động cơ hoặc khung trong suốt quá trình sử dụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận