Bóng đá

Thay đổi thể thức thi đấu để “cứu” V-League 2020?

06/05/2020, 10:58

Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, V-League nên thay đổi thể thức nhằm giúp mùa giải 2020 về đích an toàn.

img
V-League 2020 chưa chốt được phương án tổ chức phần còn lại của mùa giải

Tuy nhiên, không dễ để các nhà tổ chức tìm ra một phương án tối ưu.

Vì sao phải thay đổi thể thức V-League?

Theo kế hoạch dự kiến của Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), V-League 2020 sẽ trở lại vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Nhiều khả năng kế hoạch sẽ thành hiện thực bởi tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam đã cơ bản lắng xuống. Tuy nhiên, một bài toán khác đặt ra với VPF là làm sao để hoàn thành mùa giải muộn nhất vào đầu tháng 10. Sang tháng 11, đội tuyển Việt Nam sẽ phải tham dự hai đấu trường là AFF Cup 2020 và vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Do đội tuyển không tập trung từ đầu năm nên thày trò HLV Park Hang-seo cần có quỹ thời gian khoảng 1 tháng để chuẩn bị, khớp đội hình.

Như vậy, 24 vòng đấu còn lại của V-League 2020 sẽ chỉ có 4 tháng để hoàn thành. Nếu đá mật độ mỗi tuần 1 trận, 4 tháng chỉ chơi được 16 trận, tức vẫn còn dư 8 trận chưa đá. 8 trận này nếu tiếp tục phân ra cho 4 tháng, tức mỗi đội sẽ đá khoảng 6 trận/tháng, tương đương 5 ngày có 1 trận. Tuy nhiên, nếu tính thêm Cúp Quốc gia và Giải châu Á (Than Quảng Ninh và CLB TP HCM tham dự), một số đội sẽ phải đá 3 ngày 1 trận. Mật độ như vậy là quá dày, thể trạng của cầu thủ Việt Nam khó đảm bảo.

Chính vì thế, phương án thay đổi thể thức thi đấu, rút bớt vòng đấu của V-League 2020 đã được VPF cũng như Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tính tới. “VFF và VPF vẫn đang theo sát tình hình nhằm tổ chức lại giải ngay khi được cho phép. Việc rút bớt vòng đấu cũng là một kịch bản được tính tới nếu thời gian còn lại không cho phép chúng ta thi đấu đủ số trận như đúng lịch trình ban đầu. Tuy nhiên, vấn đề này phải có sự chấp thuận của ban chấp hành VFF”, ông Lê Hoài Anh, Tổng Thư ký VFF chia sẻ.

HLV Phan Thanh Hùng của CLB Than Quang Ninh thì cho rằng, với quỹ thời gian hạn hẹp, nếu giữ nguyên thể thức cũ, rất có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cả các CLB lẫn đội tuyển quốc gia. “Cầu thủ không thể đá 3 - 4 ngày 1 trận suốt 4 tháng trời, như vậy sẽ quá tải. Đó là chưa kể tới việc các đội nghỉ quá lâu, khi trở lại đá dồn dập thì nguy cơ chấn thương rất cao. Vậy nên, theo tôi thu gọn các vòng đấu là điều cần thiết”, ông Hùng nêu ý kiến.

Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh cũng có chung quan điểm nên rút bớt vòng đấu V-League 2020. Trong khi đó, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPF cho biết: “Các phương án chúng tôi đã trình lên VFF và Tổng cục Thể dục thể thao nhưng khi chưa được phê duyệt thì chúng tôi chưa thể tiết lộ”.

Làm sao để hài hòa lợi ích các đội và tốt cho đội tuyển?

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, hiện VPF đã tính toán nhiều phương án khác nhau trình lên VFF. Trong đó, bao gồm cả cách tổ chức như đề xuất của HLV Chung Hae-seong (CLB TP HCM). Cụ thể, V-League 2020 đá 1 lượt để phân hạng, sau đó một nhóm đá play-off tranh huy chương còn một nhóm đá play-off để xác định đội xuống hạng. HLV Nguyễn Văn Sỹ của CLB Nam Định cho rằng, việc điều chỉnh cụ thể ra sao ông chưa nắm được nhưng về cơ bản vẫn phải đảm bảo lợi ích của các CLB. “Nếu rút bớt các trận thì rút như thế nào bởi sẽ có đội mất trận sân khách, đội mất trận sân nhà. Đội mất trận sân nhà sẽ thiệt thòi. Vì vậy, rất mong VFF và VPF sẽ tìm ra được một giải pháp hài hòa lợi ích của các đội”, ông Sỹ cho hay.

Ông Nguyễn Hồng Thanh khẳng định, mọi phương án đều có mẫu số chung là muốn rút ngắn thời gian tranh tài. Tuy nhiên, những sự điều chỉnh chắc chắn không thể có sự đồng thuận của 100% các CLB. Nhưng ông Thanh cũng cho hay, tất cả phải hướng tới mục tiêu chung là tạo điều kiện tốt nhất cho đội tuyển quốc gia, tài sản chung của cả nền bóng đá.

Đồng quan điểm, bình luận viên Vũ Quang Huy phân tích: “Chúng ta phải hiểu rằng hoàn cảnh như hiện tại là không bình thường. Việc thay đổi vì thế cũng sẽ làm xáo trộn nhiều thứ. Sẽ có đội phải chịu thiệt, có đội hưởng chút lợi thế nhưng hãy cùng nhau chung tay vượt qua. Ai thiệt thì cố gắng khắc phục bởi nếu không thay đổi thì kế hoạch dành cho đội tuyển sẽ bị ảnh hưởng. Như vậy sẽ rất đáng tiếc, bởi tuyển Việt Nam đang có thời cơ lớn để lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Ngoài ra, thêm một chức vô địch AFF Cup 2022 cũng sẽ khẳng định vị thế của bóng đá Việt Nam”.

Cũng bởi khó tìm ra phương án vẹn toàn khi thay đổi, theo chuyên gia Nguyễn Thành Vinh, giữ nguyên số vòng đấu và cho phép các đội đăng ký thêm cầu thủ cũng là phương án chấp nhận được. “Thay đổi sẽ động chạm tới lợi ích nhiều CLB, khó đạt được sự đồng thuận. Thay vì cố gắng thay đổi thì chúng ta có thể thích nghi, số vòng đấu giữ nguyên. 3 ngày 1 trận không phải là mật độ không thể chịu được. Việc di chuyển giữa các địa phương giờ đơn giản hơn, không mất nhiều thời gian. Nếu CLB tập trung phục hồi thể lực cho cầu thủ thì tôi nghĩ hoàn toàn thi đấu được đầy đủ số trận. Nếu cần thiết thì cho các đội đăng ký thêm cầu thủ nhằm đảm bảo việc xoay vòng của các đội bóng. Số lượng trận đấu mỗi mùa của chúng ta không nhiều, nếu giảm nữa thì sẽ kém hấp dẫn”, ông Vinh nêu ý kiến.

Chưa nên học người Thái

Trước một số ý kiến cho rằng, V-League nên học Thai League, thay đổi thời gian thi đấu theo khung châu Âu, tức mỗi mùa diễn ra từ mùa thu năm trước tới mùa hè năm sau, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPF và bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng đây chưa phải là thời điểm thích hợp để làm việc này. “Hầu hết các quốc gia châu Á đều đá trọn vẹn mùa giải trong 1 năm dương lịch. Các giải đấu cấp châu lục cũng thường diễn ra vào tháng 1. Nếu chúng ta thay đổi theo khung thời gian châu Âu thì sẽ bị lệch toàn bộ các mốc sự kiện của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC)”, ông Tú nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.