Trung Quân chấp nhận lời xin lỗi của người tung tin giả về mình
Trên trang cá nhân, ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân có chia sẻ mới nhất, sau khi chủ tài khoản tung tin giả về anh bị Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội phạt 7,5 triệu đồng.
Theo nam ca sĩ, anh đã có buổi gặp gỡ với chủ tài khoản T.T - người quản trị của fanpage tung tin bịa đặt về anh trong 2 năm qua để làm rõ mọi chuyện.
Sau buổi làm việc, Nguyễn Trần Trung Quân chấp nhận lời xin lỗi, mong chủ fanpage này cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ thông tin lên mạng xã hội.
"Dám làm dám nhận và có trách nhiệm xóa toàn bộ bài viết trên trang fanpage, group cộng đồng.
Em T cũng có mặt trong tất cả các buổi làm việc cùng cơ quan chức năng, phối hợp rất chặt chẽ và chia sẻ chân thật. Sau cuộc nói chuyện, Quân cũng chính thức hòa giải, tha thứ cho em.
Tôi mong các fanpage, trang tin, nhóm mạng xã hội từ bây giờ sẽ không đăng tải các thông tin xuyên tạc, sai sự thật về Quân.
Hệ lụy của những bài đăng không đúng sự thật, các cuộc tranh luận, chửi bới, hả hê ấy với các bạn có thể không phải vấn đề lớn nhưng với cá nhân Quân, nó thực sự quá khủng khiếp", ca sĩ bày tỏ.
Trước đó, ngày 21/8, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội ban hành quyết định xử phạt 2 chủ tài khoản tên L.T.T (sinh năm 1997, ngụ tại Long Biên, Hà Nội) và N.T.A (sinh năm 1997, ngụ tại Long Biên, Hà Nội) về hành vi thường xuyên đăng tải nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân Nguyễn Trần Trung Quân.
Mỗi cá nhân bị phạt hành chính 7,5 triệu đồng và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm.
Nhan nhản hội, nhóm nói xấu, "bóc phốt" nghệ sĩ
Trước Nguyễn Trần Trung Quân, diễn viên Midu cũng từng có hành động quyết liệt khi bị đưa thông tin sai lệch trên mạng xã hội.
Hồi tháng 5 vừa qua, Midu (tên đầy đủ Đặng Thị Mỹ Dung) đã gửi khiếu nại đến Sở TT&TT TP.HCM đề nghị xử lý fanpage Facebook có tên "This is Mặt Nạ" và kênh TikTok có tên "Chưa biết_01".
Theo đó, trang "This is Mặt Nạ" đăng tải video "Sự thật về Midu", "Quá khứ của thần tiên tỷ tỷ". Còn kênh TikTok "Chuabiet_01" đăng video với tựa đề "Quá khứ của Midu".
Sau đó, tờ PLO đưa tin, đại diện Sở TT&TT TP.HCM xác nhận đã có đã có thư mời chủ 2 kênh này lên làm việc vào hôm 24/5. Tuy nhiên, đến nay các bên liên quan vẫn chưa đưa ra thông tin tiếp theo.
Tờ PLO cũng thông tin, NSND Lệ Thủy từng nhờ Sở TT&TT TP.HCM can thiệp khi bà bị nhiều kênh YouTube đăng video với nội dung như: "Nghệ sĩ Lệ Thủy hát tặng Thiền am bên bờ vũ trụ", "Lệ Thủy hát tặng thầy ông nội"... thu hút nhiều lượt xem, bình luận.
Nữ nghệ sĩ cho biết đây là thông tin sai sự thật, đồng thời khẳng định người hát trong các video clip là bắt chước theo giọng, âm sắc của bà.
Các video được lan truyền khiến cuộc sống của bà bị ảnh hưởng vì một số người cho rằng bà có liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai.
Sau khi tiếp nhận đơn của NSND Lệ Thủy, Sở TT&TT TP.HCM đã tiến hành rà soát và có hướng xử lý theo quy định.
Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ trở thành chủ đề của các câu chuyện bàn tán, nói xấu gay gắt trên mạng xã hội, thu hút hàng trăm nghìn người quan tâm. Các fanpage, hội nhóm... vì thế mọc lên như nấm sau mưa.
MLee, Lệ Quyên, Hương Giang... là những nghệ sĩ từng bị bóc phốt, thậm chí bị kêu gọi tẩy chay trên mạng xã hội.
Có người chọn im lặng, có người chọn cách đối diện trực tiếp hoặc đáp trả công khai khi bị nói xấu, tẩy chay.
Theo khảo sát, cách thức hoạt động chung của các fanpage, kênh, hội nhóm nói xấu nghệ sĩ trên mạng xã hội đều có điểm tương đồng.
Công thức chung của các kênh này là đánh vào tâm lý tò mò, đăng bài viết có nội dung gây tranh luận để thu hút lượng người tham gia, theo dõi, tương tác.
Tuy nhiên, tính xác thực của các nội dung được đăng tải đều chưa được kiểm chứng, nhưng được nhiều người đổ xô vào bàn tán. Thậm chí, có người còn để lại bình luận với ngôn từ gay gắt, thô tục.
Khi có lượng người theo dõi, tham gia đủ lớn, các kênh này bất ngờ đổi tên, trở thành một kênh cung cấp dịch vụ tính phí, quảng cáo hay bán hàng online.
Hệ lụy từ việc tạo nội dung nói xấu, bóc phốt trên mạng xã hội
Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định, việc lập ra các hội nhóm nói xấu người nổi tiếng, nghệ sĩ để đưa ra những thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác là hành vi vi phạm pháp luật.
Căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Tiền phân tích, căn cứ điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 101 Nghị định số 15/2020, lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng; bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.
Ngoài quy định về xử phạt hành chính, trường hợp người đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có dấu hiệu hình sự và gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng với hành vi.
Trong đó, nếu có hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự.
Người phạm tội sẽ bị xử phạt tù từ 1-3 năm và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10-50 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Nếu có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác mà sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội, người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự).
Theo đó, hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác mà sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Về trách nhiệm dân sự, căn cứ vào Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015, người bị xâm phạm có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Theo đó, những người có hành vi trên có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân do danh dự, uy tín, nhân phẩm bị xâm phạm theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự.
Ca sĩ Lệ Quyên từng chọn cách đáp trả thẳng thừng với anti-fan.
Nhìn nhận về thực trạng trên, chuyên gia truyền thông Chang Trần cho rằng, các group anti nói xấu cá nhân nhan nhản trên mạng xã hội. Nhưng đến hiện tại, những nền tảng như Facebook, TikTok vẫn chưa thể kiểm soát triệt để được loại nội dung này.
"Đội ngũ làm nội dung bóc phốt, nói xấu hiện nay thậm chí còn chuyên nghiệp để "lách luật" đến mức không chỉ đích danh nghệ sĩ mà gọi bằng những biệt danh, ký hiệu như: "chị X", "chị Y", "MC Lũ", "chị Dậm", "Thanh Xà"...
Tuy nhiên, công bằng để nói, khán giả có quyền nói và lên tiếng nếu thấy người nghệ sĩ làm sai, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục.
Thế nhưng, để tạo một môi trường mạng xã hội lành mạnh, việc sáng tạo nội dung trên TikTok, Facebook, YouTube cần đảm bảo nguyên tắc tôn trọng sự thật, ứng xử văn minh.
Ngược lại, nghệ sĩ cũng nên có lối sống lành mạnh. Showbiz văn minh cần người làm nghề tử tế và khán giả có văn hóa", bà Chang bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận