>> Chân dung tân Thủ tướng Thái Lan
Ông Thaksin Shinawatra là chính trị gia thuộc đảng Vì nước Thái có tầm ảnh hưởng lớn, chi phối chính trị Thái Lan trong hàng chục năm.
Ông đã trở thành Thủ tướng Thái Lan từ năm 2001 và giành được sự ủng hộ trung thành của đông đảo cử tri ở khu vực nông thôn phía bắc và đông bắc “xứ Chùa vàng” qua các chính sách kinh tế và phúc lợi cải thiện cuộc sống người dân.
Tuy nhiên, ông không được lòng phe bảo thủ, bị coi là mối đe dọa với Hoàng gia đồng thời bị cáo buộc tham nhũng, lạm dụng nhân quyền. Ông Thaksin đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006 và sống lưu vong trong 15 năm để tránh án tù.
Đáng nói, sau khi diễn ra cuộc bầu cử Hạ viện Thái Lan hồi tháng 5 và đảng Vì nước Thái về vị trí thứ hai, ông Thaksin nhiều lần ngấp nghé trở về nhưng chính trường liên tục thay đổi, đảng Tiến bước (từng có liên minh với đảng Vì nước Thái) không thể thành lập chính phủ, rơi vào bế tắc và ông Thaksin đã lùi ngày về nước.
Ông Thaksin Shinawatra vẫy tay chào rất đông người ủng hộ ở bên ngoài nhà ga dành cho máy bay tư nhân (Ảnh: Chaiwat Subprasom).
Mãi đến khi đảng Vì nước Thái thành lập liên minh mới với 10 đảng và ngày 22/8, Quốc hội Thái Lan triệu tập phiên họp toàn thể, bầu tân Thủ tướng trong đó ứng viên duy nhất là ông Srettha Thavisin thuộc đảng Vì nước Thái, vị cựu lãnh đạo này mới chính thức trở về.
Chiếc máy bay tư nhân chở ông Thaksin hạ cánh xuống sân bay Bangkok trước sự chờ đợi, đón chào của hàng trăm người ủng hộ. Ông cũng xuất hiện chớp nhoáng trước báo giới và người ủng hộ rồi sau đó được đưa thẳng tới tòa, nghe tuyên án và dẫn giải đến nhà giam.
Đáng chú ý, trong ngày ông Thaksin về nước, ông Srettha Thavisin - ứng viên của liên minh 11 đảng do đảng Vì nước Thái dẫn đầu - đã được bầu làm Thủ tướng, chấm dứt 3 tháng bế tắc chính trị.
Trong khi người đắc cử là có quan hệ thân tín với ông Thaksin thì liên minh 11 đảng cầm quyền do đảng Vì nước Thái dẫn đầu lại bao gồm hai đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất (UTN) và đảng Palang Pracharath (PPRP). Cả hai đảng này vốn ủng hộ quân đội, là lực lượng từng lật đổ ông Thaksin và em gái Yingluck khỏi ghế Thủ tướng thời gian trước.
Ông Srettha Thavisin nhân vật thân tín của ông Thaksin đắc cử Thủ tướng (Ảnh: Pheu Thai Party).
Nhận định về điểm này ông Wanwichit Boonprong, Giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Rangsit chia sẻ với tờ Bangkok Post cho rằng, việc cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trở về quê hương đúng lúc liên minh 11 đảng (bao gồm đảng Vì nước Thái và hai đảng UTN và PPRP...) giành chiến thắng đã gửi thông điệp tới các nhóm chính trị rằng hai phe chính trị đối lập đã xác định đảng Tiến bước là mối đe dọa chung và cùng liên kết để đối trọng với đảng này.
“Bối cảnh chính trị thay đổi đã buộc họ phải hợp tác để cộng sinh”, chuyên gia Wanwichit Boonprong nói.
Còn theo ông Somkid Chueakhong, cựu nghị sĩ của đảng Vì nước Thái, bước ngoặt mới nhất trên chính trường cho thấy đảng Vì nước Thái và phe được quân đội ủng hộ đã đồng ý thỏa hiệp để chấm dứt xung đột chính trị.
Song, nói thêm về vấn đề này, chuyên gia Wanwichit đánh giá: “Trước tình hình chính trị Thái Lan hiện nay, có thể thấy ông Thaksin đã giành được một phần chiến thắng. Tuy nhiên, nó đi cùng với cái giá đó là đảng Vì nước Thái sẽ phải vật lộn với cuộc khủng hoảng niềm tin”.
Đảng Vì nước Thái đang hứng chịu chỉ trích không nhỏ khi đi ngược lại lời hứa từ trước bầu cử rằng sẽ không hợp tác với đảng ủng hộ quân đội như UTN và PPRP.
"Khi Chính phủ mới được thành lập, đảng Vì nước Thái sẽ phải nỗ lực để giành lại niềm tin của người ủng hộ”, theo ông Wanwichit.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận