360 độ thể thao

Thấy gì khi thể thao Việt Nam trắng tay rời Olympic?

13/08/2024, 06:02

Thể thao Việt Nam khép lại hành trình tại Olympic Paris 2024 mà không giành bất kỳ tấm huy chương nào.

Dù đã được dự báo trước nhưng rõ ràng thất bại này một lần nữa cho thấy cách làm thể thao thành tích cao của chúng ta đang có vấn đề.

Thất bại được dự báo trước

Ngày 7/8, khi đô cử Trịnh Văn Vinh thất bại ở chung kết nội dung 61kg môn cử tạ Thế vận hội 2024, người hâm mộ hiểu rằng, thêm một lần nữa thể thao Việt Nam sẽ trắng tay tại đấu trường Olympic.

Thấy gì khi thể thao Việt Nam trắng tay rời Olympic?- Ảnh 1.

Bắn súng có thể trở thành môn mũi nhọn của thể thao Việt Nam nếu được đầu tư xứng tầm.

Càng đáng buồn hơn khi nhiều quốc gia Đông Nam Á đã góp mặt ở bảng tổng sắp huy chương. Philippines dẫn đầu khu vực với 2 HCV, 2 HCĐ. Indonesia xếp thứ 2 với 2 HCV, 1 HCĐ. Thái Lan giành 1 HCV, 3 HCB và 2 HCĐ. Malaysia cũng kịp giành 2 HCĐ và Singapore sở hữu 1 HCĐ. Nghịch lý ở chỗ, hai kỳ SEA Games gần nhất, thể thao Việt Nam đều dẫn đầu với số HCV vượt trội.

Nhưng thực tế, đây là thất bại đã được dự báo trước bởi chúng ta không có VĐV nào thực sự đủ sức tranh chấp sòng phẳng trong top 3. Trịnh Thu Vinh bắn súng và Trịnh Văn Vinh cử tạ tuy là niềm hy vọng nhưng cũng rất mong manh bởi đây mới là lần đầu Thu Vinh dự một kỳ Olympic, trong khi Văn Vinh mới trở lại sau án cấm thi đấu.

Trong khi đó, ngoài việc có số lượng VĐV dự Olympic nhỉnh hơn Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Indonesia hay cả Malaysia còn có những môn, VĐV top đầu thế giới.

Thái Lan có Panipak Wongpattanakit (taekwondo, vừa bảo vệ thành công HCV hạng 49kg), cử tạ, boxing. Malaysia và Indonesia ở Olympic nào cũng có huy chương ở môn cầu lông. Philippines bùng nổ với 2 HCV của Carlos Yulo ở môn thể dục dụng cụ, còn tại Olympic Tokyo cũng dẫn đầu Đông Nam Á (1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ) nhờ thành tích đến từ cử tạ, boxing.

Vấn đề nằm ở chiến lược

Ông Đặng Hà Việt, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic 2024 nhận định, nhiều VĐV Việt Nam đã thi đấu tiến bộ, vượt lên chính mình, nhưng cơ bản còn hạn chế về năng lực so với đối thủ.

Thấy gì khi thể thao Việt Nam trắng tay rời Olympic?- Ảnh 2.

Thất bại của đô cử Trịnh Văn Vinh chấm dứt hy vọng có huy chương của thể thao Việt Nam tại Olympic 2024.

"Đáng tiếc khi xạ thủ Thu Vinh chỉ về thứ tư chung cuộc nội dung 10m súng ngắn hơi, hay đô cử Văn Vinh không thể hoàn thành bài thi ở nội dung 61kg của nam dù khi tập luyện anh vẫn đạt trên 300kg", ông Việt nói.

Chuyên gia Đặng Việt Cường cho rằng, việc thể thao Việt Nam trắng tay tại Olympic 2024 là điều đáng buồn, đáng tiếc nhưng không bất ngờ: "Với những gì đem sang Paris, Olympic là sân chơi quá tầm với chúng ta. Trong quá khứ, chúng ta đã từng có những nội dung mũi nhọn của bắn súng, cử tạ, taekwondo nhưng đã đánh mất".

Cũng theo chuyên gia Đặng Việt Cường, thể thao Việt Nam chuẩn bị cho Olympic không thực sự quyết tâm, chưa đặt đúng vị trí để đầu tư phù hợp.

"Lâu nay, chúng ta vẫn đặt quá nặng cho sân chơi SEA Games, cả nền thể thao xoay quanh SEA Games nên nguồn lực dàn trải. Nhiều môn chúng ta ở top đầu khu vực nhưng ra châu lục, Olympic thì hoàn toàn không có cửa cạnh tranh. Ngược lại, một vài nội dung có tiềm năng tranh chấp huy chương lại chưa được đầu tư xứng tầm", ông Cường nói.

Đồng quan điểm, cựu tuyển thủ karate Bùi Việt Bằng, người sáng lập hệ thống CLB võ thuật Việt – Nhật phân tích: "Thể thao Việt Nam có hơn 20 nghìn VĐV các tuyến trong khi nguồn lực hạn chế nên không đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các VĐV ngôi sao. Số này ít được cọ sát ở các giải đấu quốc tế nên thiếu kinh nghiệm và cả bản lĩnh.

Tôi lấy ví dụ, ở các môn võ, VĐV các nước họ đánh 15-20 giải/năm nhưng VĐV Việt Nam chỉ dự tối đa khoảng 5-7 giải. Thái Lan, Indonesia hay Philippines không hơn Việt Nam về nền tảng nhưng họ biết chọn mũi nhọn để đầu tư và thu về thành quả".

Cần thay đổi tư duy

Đánh giá về thành tích của các quốc gia Đông Nam Á tại Olympic 2024, ông Đặng Hà Việt thừa nhận, Thái Lan, Philippines hay Indonesia có những VĐV đẳng cấp, được đầu tư bài bản. Nhưng nhìn chung thế vận hội vẫn là sân chơi quá sức với các quốc gia trong khu vực.

Đầu tư cho thể thao không chỉ là đầu tư vào cơ sở vật chất, dinh dưỡng hay chuyên môn của VĐV mà còn phải đầu tư cho các HLV. VĐV có tài năng đến mấy nhưng không được huấn luyện đúng phương pháp cũng không thể bước lên đỉnh cao. Hiện tại, thể thao Việt Nam có quá ít HLV tiệm cận trình độ quốc tế, chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm.

Ông Bùi Việt Bằng

"Việt Nam hay nhiều nước láng giềng có sự đầu tư từ nhà nước cho thể thao nhưng để thực sự phát triển, cần sự tham gia của các doanh nghiệp, chung tay với ngành thể thao trong việc định hướng, tuyển chọn VĐV cũng như tìm chuyên gia, đưa công nghệ vào huấn luyện, giúp nâng tầm VĐV", ông Việt nói.

Không tán thành đánh giá này, chuyên gia Đặng Việt Cường cho rằng, xã hội hóa thể thao, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư là câu chuyện "nói mãi vẫn thế". Vấn đề nằm ở chỗ, với nguồn lực hiện có, thể thao Việt Nam phải có giải pháp đi tắt đón đầu mới mong cải thiện được thành tích tại Olympic.

"Quan trọng nhất là lãnh đạo ngành thể thao phải thay đổi tư duy. Tư duy thay đổi thì hành động mới thay đổi được. Với đấu trường Olympic, thay vì phấn đấu thì hãy đặt mục tiêu bắt buộc phải có HCV. Chúng ta cũng có thể chọn ra vài nội dung của bắn súng, cử tạ, bắn cung để đầu tư thực sự trọng điểm, có HLV giỏi, dinh dưỡng riêng, tập huấn nước ngoài thường xuyên", ông Cường nêu giải pháp.

Trong khi đó, ông Bùi Việt Bằng nhìn nhận, muốn nâng tầm thể thao Việt Nam, bên cạnh huy động nguồn lực từ xã hội, phải chú trọng hơn vào việc đổi mới phương pháp quản lý.

"Theo quan sát của tôi, các quốc gia có nền thể thao phát triển không còn quản lý theo kiểu tỉnh, thành mà theo mô hình các CLB nhà nghề giống như bóng đá, có những giải tính điểm, xếp hạng qua giải vô địch quốc gia.

Cách làm này khiến VĐV phải vận động, nỗ lực không ngừng nếu muốn có suất lên tuyển và được thi đấu nhiều hơn. Mô hình CLB cũng giúp các môn thu hút tài trợ dễ dàng hơn, từ đó VĐV có thêm điều kiện thi đấu tại nước ngoài", ông Bằng phân tích.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.