Showbiz

Thấy gì khi thời trang Việt “mang chuông đánh xứ người”

25/02/2019, 09:00

Các nhà thiết kế (NTK) Việt Nam đầy gian nan và cô độc trên con đường đưa được các bộ sưu tập (BST) của mình lên sàn catwalk thế giới...

img
Các mẫu thiết kế trong bộ sưu tập “Cuộc dạo chơi của những vì sao” của nhà thiết kế Công Trí tại NYFW 2019

Thiết kế Việt lên được sàn catwalk thế giới cũng “vỡ mật”

Những ngày qua, giới mộ điệu thời trang của Việt Nam không khỏi tự hào khi có 2 nhà thiết kế của Việt Nam đã được lựa chọn tham gia New York Fashion Week 2019 (NYFW), một trong những tuần lễ thời trang lớn và uy tín nhất hành tinh. Tại đây, NTK Công Trí đã ra mắt bộ sưu tập gồm 42 mẫu thiết kế mang tên gọi “Cuộc dạo chơi của những vì sao”, bao gồm những bộ đầm dạ tiệc và trang phục dành cho sự kiện thảm đỏ. Trong khi đó, NTK Phương My mang đến BST mang tên Sayonara với 37 mẫu thiết kế, được lấy cảm hứng từ triết học phương Đông.

Ngoài NYFW 2019, Công Trí và Phương My là hai trong những NTK Việt hiếm hoi từng tham gia nhiều tuần lễ thời trang quốc tế danh tiếng như: London Fashion Week, Tokyo Fashion Week… Một số mẫu thiết kế của họ đã xuất hiện trên tạp chí thời trang danh tiếng Vogue của Mỹ, Pháp, cũng như được nhiều ngôi sao trên thế giới lựa chọn. Cùng với hai NTK này, Việt Nam cũng có những NTK đã mang được thương hiệu của mình “xuất ngoại” và gây chú ý với làng thời trang thế giới như: Đỗ Trịnh Hoài Nam, Hoàng Hải...

Việc mang các thiết kế của mình tới các tuần lễ thời trang quốc tế được xem là cơ hội lớn cho các nhà mốt để thể hiện khả năng của mình, cũng như định hướng cho giới mộ điệu trên toàn thế giới. Nhưng để có được cơ hội này, theo NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam, họ phải vượt qua được vòng hồ sơ. BTC các tuần lễ thời trang phải thấy được sự đặc biệt, mới lạ trong các sản phẩm của các NTK. Những sản phẩm có thể xuất hiện tại các tuần lễ phải đáp ứng được các tiêu chí về sự đẳng cấp, có tính ứng dụng, phù hợp xu hướng thời trang thế giới, đáp ứng được các tiêu chí độc đáo về công nghệ hoặc thủ công, gây được sự quan tâm với giới mộ điệu trong nước và quốc tế…

Đó là chưa kể, việc đưa BST ra mắt công chúng quốc tế rất tốn kém. Chi chí vô cùng đắt đỏ, từ đi lại, ăn ở, khách sạn cho cả ê-kíp, casting người mẫu, đặt lịch, chờ đợi làm việc với đạo diễn, BTC, chạy chương trình, tham gia các hoạt động truyền thông, đó là chưa tính chi phí sản xuất các mẫu thiết kế. “Để tham gia đều đặn những chương trình như vậy, NTK phải có nguồn kinh phí rất lớn”, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam khẳng định.

Chính NTK Công Trí, dù không tiết lộ kinh phí cụ thể cho màn ra mắt BST tại NYFW nhưng anh cũng nhìn nhận, con số vài tỷ đồng chỉ đủ để lo vài việc bên lề cho show diễn. Anh cũng mất hàng năm trời để chuẩn bị cho sự kiện này, từ việc tìm chất liệu, mẫu vải, phối hợp với stylist hàng đầu của Mỹ Kate Young, casting người mẫu của Victoria’s Secret… Anh thường có những cuộc họp xuyên đêm qua điện thoại với các cộng sự để làm việc, điều chỉnh các thiết kế trong thời gian ngắn.

img
Một mẫu thiết kế trong bộ sưu tập “Cuộc dạo chơi của những vì sao” của nhà thiết kế Công Trí tại NYFW 2019

Hãng thời trang và NTK như hai đường thẳng song song

NTK Công Trí từng nhìn nhận, thời trang Việt Nam cứ như đang tập bắt đầu mãi và vẫn đang ăn nhờ vào tên của nhà thiết kế. Nhận định này của “anh cả làng mốt Việt” cho thấy sự thực về hiện trạng phát triển của thời trang Việt Nam. Quả thực, dù Việt Nam vẫn được coi là “xưởng gia công” về may mặc lớn của thế giới, nhưng giới mộ điệu quốc tế biết đến thời trang Việt đa số chỉ qua những lần tham gia các sự kiện của các NTK Việt.

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam phân tích: Trên thế giới, các NTK nổi tiếng thường đi làm thuê cho các hãng thời trang lớn. Bản thân họ cũng làm đúng công việc của mình là thiết kế, sáng tạo, những công đoạn khác đã có hệ thống và ê-kíp riêng làm một cách chuyên nghiệp. Còn tại Việt Nam, NTK phải lo toan mọi thứ từ sáng tạo, cắt, đính… Bản thân NTK Việt cũng là thương hiệu nhưng còn rất nhỏ so với các hãng thời trang. Bởi, các NTK không có nguồn nhân lực lớn, nhà máy riêng, trong khi những điều này các hãng thời trang có sẵn và còn có sản phẩm không hạn chế.

“Nếu các công ty thời trang Việt có thể liên kết với các NTK để đưa sản phẩm ra nước ngoài thì có thể, thời trang Việt đã có vị thế khác. Hai đối tượng này chưa gặp được nhau vì mỗi người có cái tôi riêng và dường như họ cũng chưa có ý định gặp nhau. Công ty may có quan điểm kinh doanh riêng và nghĩ NTK chỉ bình thường, còn NTK rất khó nói chuyện với các công ty vì sẽ bị áp đặt về tài chính, sự sáng tạo, trong khi đây là điều họ buộc phải có”, anh chia sẻ.

Là một trong số ít thương hiệu Việt phát triển tại thị trường thời trang quốc tế, NTK Phương My nhìn nhận, thời trang Việt chưa thể đi xa được trong làng thời trang thế giới vì chưa đủ muốn, chưa đủ quyết tâm. Theo cô, bản thân các nhà thiết kế nên có định hướng rõ ràng, cách làm thương hiệu bài bản, và bản sắc riêng khi bước ra sân chơi quốc tế để không bị lẫn vào đám đông. Ngay việc tham gia các tuần lễ thời trang quốc tế cũng không nên là mục tiêu và đích đến đối với các nhà thiết kế trẻ, mà nên là bước khởi đầu cho họ để có thể mở ra nhiều hướng đi mới trong sự nghiệp làm thời trang.

Phương My cũng từng thất bại không ít lần trong chặng đường chinh phục thị trường thời trang quốc tế nên cô nhận ra rằng, bản thân phải xác định được điểm mạnh sản phẩm của mình, phải biết mình có thể mang đến điều gì cho khách hàng. “Khi ra nước ngoài gặp đối tác, tôi email 100 người, mong một người sẽ gặp mình. Khi gặp rồi, mình sẽ truyền đạt câu chuyện của mình. Người nước ngoài khá mở, họ thích những người dám đứng ra nói, dám làm, khi làm được rồi thì họ sẽ cho mình cơ hội, không làm được thì mình sẽ rút đi”, Phương My bộc bạch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.