Thời sự Quốc tế

Thấy gì khi Triều Tiên đã phá bỏ tượng đài từng là biểu tượng thống nhất với Hàn Quốc?

Theo các hãng tin phương Tây, Triều Tiên đã phá hủy công trình tượng đài quy mô lớn biểu trưng cho khát vọng thống nhất quốc gia.

Từ biểu tượng trở thành vật chướng mắt

Theo báo cáo của cơ quan giám sát Triều Tiên NK News, hình ảnh vệ tinh tại thủ đô Bình Nhưỡng hôm 23/1 cho thấy công trình tượng đài hình mái vòm thường được gọi là “Cổng Thống Nhất” đã không còn.

Trước đó truyền thông nhà nước Triều Tiên cho hay, ông Kim Jong Un gọi tượng đài biểu trưng cho khát vọng thống nhất này là “chướng mắt” khi phát biểu trước toàn thể Hội đồng Nhân dân Tối cao hôm 15/1.

Công trình “Cổng Thống Nhất” có tên gọi đầy đủ là “Tổ quốc thống nhất Tam đại hiến chương kỉ niệm tháp” (Ảnh: CNN)

Công trình “Cổng Thống Nhất” có tên gọi đầy đủ là “Tổ quốc thống nhất Tam đại hiến chương kỉ niệm tháp” (Ảnh: CNN)

Tại phiên họp này, ông Kim cũng tuyên bố giải thể các cơ quan như Ủy ban Thống nhất Hòa bình Đất nước, Cục Hợp tác Kinh tế Quốc gia và Cục Du lịch Quốc tế Kumgangsan.

“Chúng ta nên loại bỏ hoàn toàn cổng thống nhất chướng mắt… và thực hiện các biện pháp khác để loại bỏ hoàn toàn các khái niệm như thống nhất, hòa giải và đồng bào ra khỏi lịch sử chúng ta”, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời ông Kim Jong Un.

Công trình “Cổng Thống Nhất” có tên gọi đầy đủ là “Tổ quốc thống nhất Tam đại hiến chương kỉ niệm tháp”, khánh thành năm 2000 tượng trưng cho khát vọng thống nhất bán đảo Triều Tiên theo Tổ quốc thống nhất Tam đại hiến chương do Chủ tịch Kim Nhật Thành đề ra.

Công trình cao hơn 30m bắc qua đại lộ Thống Nhất, chạy từ thủ đô Bình Nhưỡng tới Khu phi quân sự liên Triều, được xây dựng với hình ảnh hai bà mẹ Triều Tiên trong trang phục truyền thống tượng trưng cho hai miền Nam - Bắc, hướng về phía trước để cùng nhau giữ lấy quả cầu có bản đồ bán đảo Triều Tiên thống nhất.

Đối đầu gay gắt

Theo hãng tin CNN, động thái tức giận của Triều Tiên được thực hiện sau khi Hàn Quốc công bố Sách Trắng Quốc phòng năm 2022, trong đó có nội dung khẳng định chính quyền và quân đội Triều Tiên "là kẻ thù".

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên cho rằng nếu tiếp tục coi Hàn Quốc là đối tác hòa giải, thống nhất trong khi Seoul lại coi nước này là kẻ thù chính, tìm kiếm cơ hội để lật đổ chính quyền và đạt được thống nhất bằng cách sáp nhập hai miền thì Bình Nhưỡng sẽ sai lầm nghiêm trọng.

Trong phát biểu ngày 22/1, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết thêm, Triều Tiên không muốn xảy ra chiến tranh nhưng cũng không có ý định né tránh.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên nhận định "nguy cơ bùng nổ chiến tranh đang ngày càng nghiêm trọng" và ông thề nếu chiến tranh xảy ra, Triều Tiên sẽ buộc phải thống nhất hòn đảo bằng vũ lực.

Ông Kim Jong Un mới đây đã đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn về việc thống nhất đất nước (Ảnh: Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên)

Ông Kim Jong Un mới đây đã đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn về việc thống nhất đất nước (Ảnh: Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên)

Về phía Hàn Quốc, sau động thái mới từ Bình Nhưỡng, Tổng thống Yoon Suk Yeol vốn có đường lối cứng rắn với Triều Tiên, tuyên bố chính quyền ông sẽ không bị đe dọa trước những tuyên bố mới nhất của ông Kim Jong Un và kêu gọi phản ứng mạnh mẽ trước các hành động quân sự của Triều Tiên.

"Nếu Triều Tiên khiêu khích, chúng tôi sẽ trừng phạt họ mạnh hơn gấp nhiều lần", ông Yoon nhấn mạnh.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang gia tăng. Quân đội Hàn Quốc và Mỹ tăng cường các hoạt động quân sự cuối năm 2023 và đầu 2024 trong khi đó Triều Tiên tiến hành nhiều vụ thử vũ khí hiện đại và cảnh báo về một cuộc chiến tranh hạt nhân.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.