Đầu tư vào đường sắt để phát triển kinh tế
Theo thông tin mới đây từ Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc, tổng đầu tư tài sản cố định trong lĩnh vực đường sắt của quốc gia này trong 3 tháng đầu năm nay đạt 113,55 tỷ nhân dân tệ (16,5 tỷ USD), tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức đầu tư trong quý cao nhất trong thập kỷ qua dù thời điểm đầu năm thường không phải mùa cao điểm trong xây dựng đường sắt.
Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc cũng cho biết, vào giai đoạn cuối năm, công ty sẽ tập trung vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đường sắt tại các khu vực biên giới bao gồm khu tự trị Tân Cương, Tây Tạng và dọc hành lang đường bộ - đường biển phía Tây, tuyến đường đóng vai trò cầu nối cho hoạt động logistics, thương mại giữa miền Tây Trung Quốc với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ảnh minh họa: Xinhua
Theo các nhà phân tích, việc Trung Quốc tăng cường đầu tư vào lĩnh vực đường sắt nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19, đồng thời nằm trong nỗ lực ổn định thương mại quốc tế, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc với phương Tây và một số nước láng giềng xấu đi.
Ông Shao Yu, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Orient Securities cho rằng: “Các dự án đường sắt là những dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm do nhà nước (Trung Quốc) kiểm soát và việc đẩy nhanh tốc độ xây dựng trong ngành đường sắt thể hiện chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế”.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% trong năm 2022, một trong những mức tăng trưởng thấp nhất trong 4 thập kỷ qua. Năm nay, Trung Quốc đặt mục tiêu GDP tăng khoảng 5% - nhiệm vụ mà tân Thủ tướng Lý Cường đánh giá là không hề dễ dàng.
Vì sao Trung Quốc tập trung mở rộng mạng lưới đường sắt phía Tây?
Ngoài ra, Ông Sun Zhang, chuyên gia về đường sắt tại Trung Quốc chỉ ra việc tập trung mở rộng mạng lưới đường sắt tại khu vực phía Tây cho thấy khu vực này ngày càng đóng vai trò quan trọng liên quan tới lợi ích kinh tế của Trung Quốc tại Nam Á, Trung Á và liên quan tới quan ngại về an ninh tại các khu vực biên giới của Trung Quốc.
“Ba năm đại dịch Covid-19 hoành hành đã cho thấy tầm quan trọng của các tuyến đường sắt ở phía Tây. Tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu đã đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng trong thời gian bùng phát đại dịch, hỗ trợ hoạt động vận tải đường bộ trên tuyến đường thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường”, theo ông Sun.
Ngoài ra, ông Sun cũng cho rằng, các tuyến đường sắt ở phía Tây Trung Quốc còn đóng vai trò cần thiết khi có nhu cầu điều động binh sĩ, trang thiết bị quân sự để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn, tiếp giáp với nhiều nước láng giềng.
Tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu là mạng lưới liên lục địa kết nối Trung Quốc với châu Âu qua Nga và đã đóng vai trò quan trọng phục vụ cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc trong những năm gần đây. Tuyến đường là mắt xích quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc, tuyến đường đã phục vụ 16.000 chuyến tàu vận chuyển 1,6 triệu container hàng hóa trong năm ngoái.
Hành lang đường bộ - đường biển phía Tây, tuyến đường quan trọng khác cũng thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, đã phục vụ hoạt động vận tải 756.000 container hàng hóa vào năm ngoái, tăng 18,5% so với năm 2021.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận