Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), một lữ đoàn thuộc Chiến khu Đông bộ triển khai tiêm kích tàng hình J-20 tham gia hoạt động tấn công giả định.
“Trong hoạt động huấn luyện bay đầu tiên của năm mới, chúng tôi gia tăng độ khó để nâng cao kỹ năng chiến thuật và công nghệ của phi công nhằm nâng cao sự tự tin và năng lực trong các trận chiến tương lai”, phó chỉ huy lữ đoàn - ông Qing Sheng cho hay.
Trong cuộc tập trận khác, một đơn vị máy bay ném bom của Chiến khu Nam bộ triển khai máy bay ném bom H-6K thực hiện hoạt động tấn công giả định, theo PLA Daily - cơ quan ngôn luận của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Máy bay H-6K là máy bay ném bom chiến lược, được thiết kế phục vụ cho nhiệm vụ tấn công từ xa. Theo báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), máy bay H-6K có khả năng mang vũ khí hạt nhân và có năng lực tấn công nhóm tàu tác chiến sân bay của Mỹ tại Thái Bình Dương.
Máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc. Ảnh - Military News Agency
Ngoài ra, theo truyền thông Trung Quốc và một số tài khoản mạng xã hội, vận tải cơ quân sự lớn nhất của Trung Quốc là máy bay Y-20 và tiêm kích J-16, J-10 cũng tham gia cuộc tập trận đầu năm 2023 của lực lượng không quân Trung Quốc.
PLA có truyền thống tổ chức tập trận vào đầu tháng 1 để nâng cao nhuệ khí, lòng tự tin của binh sĩ vào đầu năm mới. Tuy nhiên, theo SCMP, các cuộc tập trận gần đây có sự xuất hiện của nhiều máy bay tối tân hơn so với các năm trước, đồng thời hoạt động diễn tập tác chiến cũng trở nên thường xuyên hơn.
Theo cựu giảng viên PLA Song Zhongping, việc triển khai nhiều máy bay hiện đại hơn cho thấy lực lượng không quân Trung Quốc đã đạt được năng lực sẵn sàng tác chiến cao hơn.
Ông Song nhận định những loại máy bay tân tiến, bao gồm tiêm kích J-20, chỉ có thể được tích hợp vào năng lực tấn công của quân đội Trung Quốc sau khi trải qua quá trình huấn luyện sâu rộng để đạt mức độ sẵn sàng tác chiến cao.
Tuy nhiên, ông Zhou Chenming, nhà nghiên cứu thuộc tổ chức công nghệ và khoa học quân sự Yuan Wang có trụ sở tại Bắc kinh, cho rằng tăng cường huấn luyện là chưa đủ để nâng cao năng lực tác chiến của quân đội Trung Quốc.
“Trước đây, lực lượng không quân Trung Quốc phụ thuộc vào tên lửa, tiêm kích để tấn công, đánh chặn máy bay của kẻ địch. Nhưng trong môi trường chiến thuật mới hiện nay, lực lượng này cần xây dựng hệ thống tấn công trong đó máy bay ném bom đóng vai trò nòng cốt để răn đe các lực lượng thù địch”, ông Zhou nói.
Quân đội Trung Quốc đã trải qua quá trình cải tổ mạnh mẽ và nâng cao đáng kể năng lực tác chiến của lực lượng không quân từ cuối năm 2012, hiện đại hóa mạnh mẽ nhờ các loại máy bay công nghệ cao, máy bay không người lái nội địa mới.
Theo SCMP, lực lượng không quân Trung Quốc đang dần bắt kịp các quốc gia phương Tây.
Trong báo cáo Năng lực Quân đội Trung Quốc công bố năm 2022, Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định lực lượng không quân Trung Quốc, sở hữu hơn 2.800 máy bay, là lực lượng có quy mô lớn nhất khu vực và đứng thứ 3 trên thế giới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận