VPBank với lợi nhuận sau thuế 9 tháng hợp nhất đạt 4.500 tỷ đồng - Ảnh: Tạ Tôn |
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế đất nước vẫn thể hiện có sự phân hóa khá rõ nét và bộc lộ không ít những thách thức về tăng trưởng trên nền tảng bền vững.
Nhìn từ báo cáo kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, cho thấy, “câu lạc bộ lợi nhuận nghìn tỷ đồng” phần đông hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, ngân hàng, bất động sản…, như Vietcombank, VietinBank, BIDV, VPBank, Vingroup, Bảo Việt, Thế giới Di động… Một vài doanh nghiệp sản xuất có kết quả kinh doanh xuất sắc là Vinamilk, Hòa Phát, PVGAS…, song chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong “rổ” doanh nghiệp lãi cao. Chưa kể, ngành sản xuất thép của Hoà Phát xưa nay vẫn được cho là ngành khá nhạy cảm vì liên quan tới môi trường và tận dụng lợi thế giá điện rẻ tại Việt Nam; hay PVGAS thuộc nhóm doanh nghiệp lợi thế dựa vào tài nguyên.
Nhìn rộng hơn, Lễ công bố Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất trong năm 2017 vừa tổ chức ngày 23/11 cũng cho thấy rõ điều này. Lấy ví dụ, trong 5 doanh nghiệp được xếp hạng có lợi nhuận tốt nhất, có 1 doanh nghiệp dịch vụ (Viettel), 4 doanh nghiệp sản xuất thì 2 trường hợp thuộc lĩnh vực dầu khí (Tập đoàn Dầu khí, Tổng công ty Khí Việt Nam), 1 là FDI (Samsung Electronics Việt Nam) và “đại biểu” sản xuất duy nhất là Vinamilk. Ở Top 10, có thêm 2 doanh nghiệp sản xuất khác là Công ty CP Ô tô Trường Hải và Tập đoàn Hòa Phát, còn lại là các đơn vị thuộc khối ngân hàng.
Điểm đáng chú ý, các doanh nghiệp sản xuất có thứ hạng cao trong danh sách đều hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Ngoài các doanh nghiệp kể trên, còn một số tên tuổi khác như: Vingroup, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Masan... Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Nhà nước nắm những mảng sản xuất chủ chốt của nền kinh tế, thể hiện kết quả kinh doanh chưa xứng với tiềm năng, kể cả khi nắm trong tay lĩnh vực kinh doanh độc quyền như điện lực. Thậm chí, một số lĩnh vực sản xuất quan trọng còn rơi vào tình cảnh bết bát. Đơn cử như Tập đoàn Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), theo báo cáo của Bộ Tài chính mới nhất, nhiều công ty con có lỗ luỹ kế hàng nghìn tỷ đồng, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối về tài chính như: Vicem Hải Phòng, Vicem Tam Điệp, Vicem Bút Sơn, Vicem Hà Tiên, Vicem Hạ Long, Vicem Sông Thao…
Thực trạng này một lần nữa cho thấy cần tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa nền kinh tế, đặc biệt là khối doanh nghiệp Nhà nước. Doanh nghiệp dù hoạt động trong lĩnh vực gì mà có lãi đều đáng ghi nhận. Song rất cần có chính sách, giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả để có thể hỗ trợ, thúc đẩy hơn nữa các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất. Bởi, đó là khu vực đóng góp trực tiếp của cải vật chất, tạo công ăn việc làm, mang lại giá trị ổn định, bền vững.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận